Thứ năm, 12/10/2023 14:28 GMT+7

Việt Nam có tiềm năng trong chuyển đổi bối cảnh đổi mới sáng tạo toàn cầu

Theo đánh giá của chuyên gia Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam là một trong số những nền kinh tế thu nhập trung bình có tiềm năng trong chuyển đổi bối cảnh đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo giới thiệu Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) 2023 và kết quả của Việt Nam. Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với WIPO cùng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế tại Geneva, Thụy Sĩ tổ chức chiều ngày 10/10/2023, tại Hà Nội. 
Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số GII 2023
Trước đó, ngày 27/9/2023, tại Geneva, Thụy Sĩ, WIPO đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo GII 2023. Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. 
 
Toàn cảnh Hội thảo.
Theo WIPO, Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran). Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp cùng Ấn Độ và Cộng hòa Moldova. 
Trong nhóm 37 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng GII năm 2023, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong nhóm, sau Ấn Độ. Trong khu vực, Việt Nam đứng thứ 4, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và được WIPO đánh giá là quốc gia luôn có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển. 
GII 2023 có một số thay đổi về các chỉ số thành phần, nguồn dữ liệu và cách tính chỉ số thành phần. Trong đó, có một số chỉ số mới về startups như “Tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và mở rộng quy mô” - Việt Nam được xếp hạng 47; “Giá trị của các doanh nghiệp kỳ lân” - Việt Nam được xếp hạng 33. 
Chi nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam vẫn ở mức thấp - xếp hạng 66, không có sự cải thiện so với các năm trước. Tuy nhiên, chi R&D của top 3 doanh nghiệp lớn có sự cải thiện đáng kể, xếp hạng 29, tăng 9 bậc so với năm 2022. Giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm dù còn nhỏ nhưng cũng đã có sự cải thiện lớn, xếp hạng 60, tăng 17 bậc so với năm 2022. Các doanh nghiệp liên tục đầu tư để thực hiện quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO. Theo đó, chỉ số về giá trị ISO 9001/PPP$GDP đã tăng 15 bậc so với năm 2022, từ vị trí 65 lên 50 năm 2023.
Khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam luôn được đánh giá cao. Tuy nhiên năm 2023, chỉ số này có sự sụt giảm so với 3 năm gần đây. Chỉ số về vốn đầu tư nước ngoài/GDP của Việt Nam năm 2023 xếp hạng 24, giảm 9 bậc so với thứ hạng 15 năm 2022. Các vấn đề về Thể chế vẫn cần nhiều nỗ lực cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST...
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, kết quả trên cho thấy những nỗ lực phục hồi của Việt Nam sau đại dịch đã được ghi nhận và có kết quả nhất định. Việc cải thiện thứ hạng GII trong năm vừa qua cũng như từ năm 2017 đến nay là nhờ có những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động phát hiện nguyên nhân, hạn chế, có kế hoạch, giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần theo phân công của Chính phủ.
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng cho rằng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, cơ quan, địa phương trong việc khắc phục những hậu quả của đại dịch COVID-19, trong đó có việc khơi thông các nguồn vốn cũng như duy trì các chính sách, mở cửa thông thoáng cho các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh đã thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST.
Chú trọng đầu tư nghiên cứu và phát triển
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi về kết quả GII và có những đề xuất, khuyến nghị chính sách, hành động cụ thể để cải thiện chỉ số GII cho Việt Nam. Ông Marco M. Aleman, Trưởng cơ quan hệ sinh thái ĐMST và sở hữu trí tuệ, Trợ lý, Đặc phái viên Tổng Giám đốc WIPO cho biết, GII là một tài liệu có giá trị không thể thiếu của thế giới để hiểu được hiện trạng ĐMST toàn cầu và tại từng quốc gia. Không chỉ là một cẩm nang tham khảo, GII là một công cụ mạnh cho việc xây dựng và đánh giá chính sách để thúc đẩy ĐMST. Thực tế, có 75/110 nước thành viên WIPO đã sử dụng GII để thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST phát triển hay sử dụng như một nguồn tham khảo cho việc hoạch định chính sách về kinh tế.
Ông Marco M. Aleman cho rằng, sự cải thiện về kết quả xếp hạng năm nay của Việt Nam nên được xem là một cơ hội để tiếp tục thiết lập những định hướng ưu tiên và chiến lược cho những năm tới. “Việt Nam xếp thứ 2 trong số các quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp; là quốc gia giữ kỷ lục về hiệu suất ĐMST trên mức kỳ vọng so với mức độ phát triển nền kinh tế trong vòng 13 năm liên tiếp. Chỉ có 2 nền kinh tế khác trên toàn cầu đạt được hiệu suất vượt trội như vậy”, ông Marco M. Aleman nhấn mạnh. 
 
Ông Marco M. Aleman, Trưởng cơ quan hệ sinh thái ĐMST và sở hữu trí tuệ, Trợ lý, Đặc phái viên Tổng Giám đốc WIPO
đánh giá cao kết quả GII của Việt Nam.
Ông khuyến nghị, Việt Nam cần tìm hiểu kỹ Báo cáo năm nay để hiểu sâu hơn về kết quả của nền kinh tế của Việt Nam trong mối tương quan với thế giới, nhóm các nước thu nhập tương đồng hoặc trong khu vực; tận dụng tối đa những công cụ, thước đo mới này để làm gia tăng năng lực của GII... 
Bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ chia sẻ, Việt Nam được xếp hạng 46, tăng 2 bậc so với năm 2022 trong bối cảnh nhiều nước còn rất khó khăn, bị xuống hạng sau đại dịch COVID-19 cho thấy đây là nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực của đất nước. Tiềm năng của Việt Nam còn rất lớn để tiếp tục nâng cao ĐMST. Tuy nhiên, theo Đại sứ, để vượt qua các thách thức, khó khăn hiện nay, đòi hỏi nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong việc nâng cao nhận thức về ĐMST và áp dụng các trụ cột của ĐMST vào thực tiễn.
Ông Sacha Wunsch - Vincent, Chuyên gia cao cấp của WIPO, đồng tác giả Báo cáo GII cho rằng, Việt Nam là một trong số những nền kinh tế thu nhập trung bình có tiềm năng quan trọng trong chuyển đổi bối cảnh ĐMST toàn cầu. Việt Nam cũng nằm trong nhóm ít các nền kinh tế có thu nhập trung bình trong top 65 GII đã tăng hạng nhanh nhất trong bảng xếp hạng GII của thập kỷ qua. 
 
Ông Sacha Wunsch - Vincent, Chuyên gia cao cấp của WIPO, đồng tác giả Báo cáo GII phân tích về kết quả chỉ số GII của Việt Nam.
Theo ông Sacha Wunsch - Vincent, Việt Nam còn nhiều cơ hội phát triển ĐMST. Thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào một số vấn đề như: đầu tư cho R&D; đánh giá hiện trạng các doanh nghiệp khởi nghiệp; nghiên cứu khả năng tập trung vào các ngành mới; kết nối R&D giữa các viện - trường - doanh nghiệp; tập trung hợp tác về sở hữu trí tuệ...

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1534

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)