Thứ hai, 11/09/2023 15:50 GMT+7

Khắc phục hạn chế, bất cập về cơ chế phối hợp thanh, kiểm tra nhà nước lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Ngày 8/9, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo Quy chế về cơ chế phối hợp thanh tra, kiểm tra nhà nước lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Tham dự hội thảo có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Đoàn Thanh Thọ - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế - Thanh tra, ông Nguyễn Triệu Nhiên – Vụ Khoa giáo văn xã (Văn phòng Chính phủ), đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục TCĐLCL, cùng đại diện 10 Bộ ngành và 35 địa phương.

Triển khai thi hành quy định tại điểm d khoản 3 Điều 21 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa giao “Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định Quy chế kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này và cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở địa phương trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi được phân công với các cơ quan thanh tra, cơ quan hải quan, công an, quản lý thị trường”, ngày 15/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ban hành “Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hà Minh Hiệp - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) cho biết, qua hơn 12 năm thực thi, quy chế này đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác phối hợp giữa các cơ quan có chức năng kiểm tra ở Trung ương, giữa cơ quan có chức năng kiểm tra ở Trung ương với các cơ quan có chức năng kiểm tra ở địa phương.

Các Bộ quản lý chuyên ngành, địa phương đã giao cho cơ quan kiểm tra trực thuộc chủ động theo chức năng, nhiện vụ, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ quản lý chuyên ngành, địa phương theo dõi, đánh giá rủi ro và diễn biến của thực tiễn sản xuất, kinh doanh để tham mưu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền kế hoạch kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đồng thời phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện công tác kiểm tra thường xuyên, chuyên đề, theo kế hoạch đã được phê duyệt nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm kịp thời, giúp ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 


Ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bật cập. Thứ nhất là về phối hợp trong công tác chia sẻ thông tin và xây dựng Kế hoạch. Hiện nay, theo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, Quy chế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Tổng cục, cục và tương đương trực thuộc các Bộ, đã giao nhiều đơn vị có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, trong đó có công tác kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Do đó, hằng năm, các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của mình, tuy nhiên quá trình xây dựng kế hoạch thường được thực hiện trong nội bộ mỗi đơn vị, chưa có cơ chế phối hợp chia sẻ, tiếp cận thông tin, dẫn đến nhiều chồng chéo, trùng lặp về nội dung, đối tượng kiểm tra, gây khó khăn cho doanh nghiệp, chưa đúng tinh thần tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Thứ hai, về phối hợp trong công tác kiểm tra triển khai, kế hoạch. Về nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, mà để xác định được chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải thông qua tổ chức đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH) có năng lực về điều kiện nhân lực, hệ thống quản lý, kỹ thuật, đo lường theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa để đo lường, thử nghiệm, giám định, chứng nhận.

Tuy nhiên, Quy chế phối hợp ban hành kèm theo Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg hiện nay chỉ giới hạn trong việc phối hợp kiểm tra chất lượng, chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm tra được giao tại các Luật TC&QCKT, Đo lường, trong khi chất lượng sản phẩm, hàng hóa có sự gắn kết chặt chẽ, không tách rời 02 Luật này.

Thứ ba, về phối hợp công tác giữa cơ quan kiểm tra với cơ quan thanh tra. Mặc dù hệ thống pháp luật về thanh tra đã quy định đầy đủ và chặt chẽ về việc xây dựng kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo, trùng lặp, tuy nhiên, pháp luật thanh tra chỉ quy định phối hợp giữa các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ quan kiểm tra với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về xử lý chồng chéo, trùng lặp.

Ngoài ra, còn một số nội dung khác liên quan đến công tác phối hợp qua thực tiễn tổng kết, đánh giá quá trình triển khai Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ngày 15/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, thay thế nhằm phù hợp với quy định của các Luật, Nghị định mới ban hành và thực tiễn yêu cầu.
 

Bà Cao Thị Bích Hà – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa

Tại hội thảo, bà Cao Thị Bích Hà – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã có bài tham luận về công tác phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa. 

Theo đó, kể từ khi ban hành Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg, công tác phối hợp kiểm tra của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (QLCL) cơ bản đều thuận lợi. Cục QLCL tổ chức Đoàn kiểm tra trên địa bàn tỉnh nào đều có thông báo trước và có Công văn cử cán bộ phối hợp với Chi cục TĐC địa phương, Thanh tra Sở KH&CN, QLTT địa phương. Bên cạnh đó, phần lớn đơn vị được mời tham gia phối hợp đều rất có trách nhiệm và cử cán bộ đúng chuyên môn tham gia với Đoàn. Tuy nhiên, đôi khi còn gặp một số khó khăn, hạn chế trong công tác phối hợp.

“Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Quyết định số 36/2010/QĐ-TT qua hơn 12 năm thực thi đã đạt được kết quả nhất định trong công tác phối hợp giữa các cơ quan có chức năng kiểm tra ở Trung ương, giữa cơ quan có chức năng kiểm tra ở Trung ương với địa phương. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề bất cập, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung các quy định có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính hoặc bỏ sót đối tượng quản lý trên cùng một địa bàn trong lĩnh vực TCĐLCL”, bà Hà nhấn mạnh.
 


Ông Đoàn Thanh Thọ - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế - Thanh tra.

Trong khuôn khổ Hội thảo, ông Đoàn Thanh Thọ - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế - Thanh tra đã chia sẻ về Dự thảo Quy chế cơ chế phối hợp thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng. 

Theo đó, Dự thảo Quy chế gồm 05 Chương và 22 Điều thì Chương I: Quy định chung (08 Điều) có Điều 5 - Nguyên tắc phối hợp và Điều 6 - Nguyên tắc xử lý chồng chéo; Chương II: Phối hợp trong công tác thu thập, chia sẻ thông tin thuộc lĩnh vực TĐC (02 Điều); Chương III: Phối hợp trong công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên quan đến hoạt động thuộc lĩnh vực TĐC (02 Điều); Chương IV: Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra liên quan đến hoạt động thuộc lĩnh vực TĐC (8 Điều) và Chương V: Tổ chức thực hiện (02 Điều).

Cũng theo ông Thọ, cơ sở pháp luật để xây dựng cơ chế phối hợp có thể kể đến Luật Thanh tra (Đ7, Đ55 và Chương VI – Đ107, 108, 109), các Nghị định, Thông tư; Pháp luật TCĐLCL (Đã phân công trách nhiệm cho các Bộ, phân cấp cho UBND); Pháp luật chuyên ngành (Phân công trách nhiệm cho các Bộ, phân cấp cho UBND); Luật Xử lý vi phạm hành chính; NĐ 118/2021/NĐ-CP, 119/2017/NĐ-CP, 126/2021/NĐ-CP; Luật TCCP (điểm c k1 Đ28 -TTg chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa TVCP; QĐ các vấn đề khi còn có ý kiến khác nhau giữa các BT); K1 Đ35 - BT phối hợp với các bộ thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực được phân công); Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Nguyên tắc phối hợp hiện nay có 5 nguyên tắc, bao gồm cơ sở chỉ đạo tập trung thống nhất từ TƯ đến địa phương trên cơ sở quán triệt chỉ đạo, điều hành của TTCP gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan; Xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện; Tránh chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, nội dung, thời gian; Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp thanh tra, kiểm tra phải được trao đổi, bàn bạc, giải quyết theo pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của các cơ quan liên quan; Thực hiện theo đúng nguyên tắc, nghiệp vụ, chuyên môn, chế độ bảo mật của mỗi cơ quan. Tuân thủ các quy định của pháp luật.

Nguyên tắc xử lý chồng chéo, Thanh tra - Thanh tra: thực hiện theo pháp luật thanh tra; Kiểm tra - Thanh tra: Cùng cấp hoặc cơ quan Thanh tra cấp trên; Kiểm tra Trung ương – Thanh tra địa phương; Kiểm tra- Kiểm tra: Cùng cấp; Trung ương – địa phương…

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Triệu Nhiên – Vụ Khoa giáo văn xã (Văn phòng Chính phủ) cho biết, vai trò của lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày càng được quan tâm, chính vì vậy việc nâng cao công tác quản lý và hoàn thiện dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg rất quan trọng. Việc lấy ý kiến từ các bộ, ngành sẽ là cơ sở và tiền đề cho việc soạn thảo dự thảo Quyết định.
 


Các đại biểu điều hành phần trao đổi, thảo luận.

Hội thảo cũng có phần trao đổi, thảo luận đưa ra những đóng góp thiết thực cho quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách cũng như tuân thủ quy định về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Kết luận Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ KH&CN, Tổng cục TCĐLCL ghi nhận các ý kiến đóng góp, chia sẻ, trao đổi, thảo luận. Bộ KH&CN sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp các cơ quan liên quan trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg cho phù hợp với tình hình thực tế và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương ủng hộ các chủ trương, chính sách mới trong công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN để việc đề xuất các quy định có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra giữa các bộ, ngành và địa phương, tránh chồng chéo, trùng lặp; phù hợp định hướng của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra.

Quan điểm xây dựng dự thảo Quyết định bao gồm: 

Thứ nhất, phù hợp với định hướng của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra; bảo đảm tính kế thừa và tính phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính; 

Thứ hai, sửa đổi những quy định chưa phù hợp, bổ sung, cập nhật những quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn;

Thứ ba, các quy định có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra giữa các bộ, ngành và địa phương, tránh chồng chéo, trùng lặp.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1637

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)