Tham dự Cuộc họp, về phía Ấn Độ có: Đại diện Ban Kế hoạch và Kiểm soát hạt nhân (NCPW), Ban Hợp tác quốc tế & Thanh sát, Ban Công nghệ Bức xạ và Đồng vị (BRIT), Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Bhabha (BARC); Công ty TNHH Đất hiếm Ấn Độ (IREL) thuộc Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ (DAE) và các đại diện của Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam… Về phía Việt Nam có các đại diện đến từ Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân, Bệnh viện K, Viện Di truyền nông nghiệp, Ban Hợp tác quốc tế – Viện NLNTVN, Viện Công nghệ xạ hiếm, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Nghiên cứu hạt nhân, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ và Trung tâm Đánh giá không phá hủy.
Toàn cảnh Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Ấn Độ lần thứ 3 về hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình
Cuộc họp lần này có ý nghĩa quan trọng, nhằm rà soát việc triển khai quan hệ hợp tác sử dụng NLNT vì mục đích hòa bình trong hơn hai năm qua kể từ Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Ấn Độ lần thứ 2 được tổ chức trực tuyến vào ngày 18/3/2021 theo Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Ấn Độ – Việt Nam về Hợp tác sử dụng NLNT vì mục đích hòa bình được ký vào ngày 9/12/2016 tại New Delhi, Ấn Độ và đề ra những biện pháp và phương hướng hợp tác mới cho giai đoạn tới.
Mở đầu Cuộc họp, ông Arun Kumar Nayak đã trình bày tổng quan về tình hình phát triển điện hạt nhân ở Ấn Độ, công nghệ hạt nhân, các khía cạnh vận hành và an toàn, các dự án đang được xây dựng, các dự án mới và các dự án trong tương lai. Trong bài trình bày này, phía Ấn Độ nhấn mạnh đến những lợi ích của điện hạt nhân và sự cần thiết phải đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và triển khai trong lĩnh vực NLNT.
Tiếp theo, đại diện Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ (DAE) đã trình bày về việc sử dụng năng lượng hạt nhân dân sự ở nước này, trong đó tập trung vào các ứng dụng phi năng lượng, bao gồm chăm sóc sức khỏe, cây trồng đột biến, bảo quản thực phẩm, lọc nước và quản lý chất thải đô thị. Những thông tin sơ bộ về các nguyên tố đất hiếm và ứng dụng của chúng cũng được chia sẻ. Về các nguyên tố đất hiếm, DAE nhấn mạnh rằng Ấn Độ và Việt Nam nên ưu tiên có chương trình hợp tác trong việc thăm dò và khai thác các mỏ, nguyên tố đất hiếm ở Việt Nam.
Đại diện của Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Bhabha (BARC), DAE đã trình bày về chủ đề: “Ứng dụng của bức xạ trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp”, đề cập đến việc xử lý bức xạ và bảo quản thực phẩm, kéo dài thời hạn sử dụng và kiểm dịch. Bài trình bày cũng nhấn mạnh rằng yếu tố lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng và an toàn của thực phẩm chiếu xạ đã được WHO, FAO, IAEA và FSSAI phê duyệt. Và phía Ấn Độ đã bắt đầu sử dụng máy gia tốc điện tử để chiếu xạ bên cạnh chiếu xạ tế bào bằng chùm gamma. Số lượng lớn các nhà máy chế biến thực phẩm chiếu xạ gamma ở Ấn Độ đã đem lại nhiều thuận lợi cho việc tăng thời hạn sử dụng và xuất khẩu rau quả trong khu vực. DAE khẳng định rằng Ấn Độ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chương trình giáo dục và đào tạo cơ bản cho Việt Nam.
Đại diện của Ban Công nghệ Bức xạ và Đồng vị (BRIT), DAE đã có bài trình bày giới thiệu tổng quan về sản phẩm và dịch vụ của BRIT. Trên cơ sở các hoạt động đã thực hiện về cung cấp và vận chuyển nguồn Co-60 từ Ấn Độ về Việt Nam, phía Ấn Độ khẳng định sẽ tiếp tục duy trì và củng cố nguồn cung ứng này cho Việt Nam như một đối tác ưu tiên.
DAE cũng đã có bài trình bày tổng quan giới thiệu về Trung tâm Đối tác năng lượng hạt nhân toàn cầu (GCNEP): các nhiệm vụ, trường học, cơ sở vật chất, chương trình & hợp tác quốc tế, và các kế hoạch trong tương lai. Qua đó, phía Ấn Độ đề nghị phía Việt Nam xác định cụ thể các lĩnh vực ưu tiên và cung cấp các yêu cầu về dịch vụ đào tạo và tư vấn thông qua GCNEP.
Công ty IREL Limited, DAE có bài giới thiệu tổng quan về IREL, nguồn tài nguyên đất hiếm (RE) của Ấn Độ, sơ bộ về hoạt động của IREL, khả năng khai thác RE của IREL. Phía Ấn Độ chia sẻ Việt Nam có nguồn tài nguyên đất hiếm rất giàu các nguyên tố đất hiếm nặng (HREE) cùng với IREL có chuyên môn trong việc khai thác, sản xuất các hợp chất/oxit đất hiếm tinh khiết cao (HPRE). Để thúc đẩy các hướng hợp tác trong tương lai, phía Ấn Độ đề xuất đánh giá địa hình địa lý và địa chất của các khu vực tiềm năng có mỏ đất hiếm ở Việt Nam, lấy mẫu đại diện, tiến hành phân tích khoáng sản và hóa học, thực hiện thăm dò tổng thể, xây dựng biểu đồ sơ bộ để khai thác đất hiếm, chuẩn bị báo cáo dự án chi tiết để đánh giá trước khi hoàn thiện quy mô hoạt động và các phương thức cần thiết khác.
Trong Kỳ họp, Viện trưởng Viện NLNTVN có bài trình bày về hiện trạng chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam (VNPP) và Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân (CNST) và bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn cho lò phản ứng nghiên cứu liên quan đến dự án CNST mà Việt Nam đang triển khai với Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM).
Đại diện đến từ Viện Nghiên cứu hạt nhân (NRI) đã có bài trình bày về “Đề xuất dự án xây dựng hệ thiết bị nhiễu xạ nơtron cho lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân của Viện Nghiên cứu hạt nhân”, giới thiệu tổng quan về Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt, hiện trạng của các chùm neutron và việc sử dụng, và đề xuất phía Ấn Độ hỗ trợ một máy nhiễu xạ nơtron cho lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân. Qua bài trình bày này, Viện Nghiên cứu hạt nhân bày tỏ mong muốn nhận được sự hợp tác và hỗ trợ từ Chính phủ Ấn Độ và Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Bhabha về tài chính, chuyên gia và các khóa đào tạo.
Đại diện của Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) đã trình bày báo cáo: “Ứng dụng của công nghệ bức xạ tại Viện NLNTVN”, giới thiệu tổng quan về công nghệ xử lý bức xạ, sự phát triển của ứng dụng xử lý bức xạ ở Việt Nam, các hoạt động nghiên cứu triển khai và thành tựu của VINAGAMMA, các triển vọng trong tương lai. Qua bài trình bày này, đại diện của VINAGAMMA đưa ra đề xuất cần thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và phát triển, sản xuất và thương mại hóa công nghệ bức xạ với Ấn Độ.
Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) có bài trình bày về “Ứng dụng NDT tại Việt Nam và đề xuất hợp tác với Ấn Độ trong việc nâng cao năng lực quản lý và kỹ thuật để xây dựng chương trình chứng nhận đào tạo cán bộ NDT theo tiêu chuẩn ISO 9712”. Trung tâm NDE đề nghị phía Ấn Độ hỗ trợ nâng cao năng lực kỹ thuật và quản lý cho việc xây dựng hệ thống cấp chứng nhận đào tạo cán bộ NDT mới theo tiêu chuẩn ISO 9712, gồm có việc cung cấp chuyên gia, tổ chức các chuyến thăm quan khoa học, các khóa đào tạo, các đoàn chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật đến Hà Nội và các chương trình thực tập, như một cơ sở đầu vào để thực hiện dự án Hợp tác kỹ thuật 2024-2025 do IAEA tài trợ. Về vấn đề này, Việt Nam mong muốn hợp tác với Hội đồng chứng nhận quốc gia của Hiệp hội Đánh giá không phá hủy Ấn Độ (NCB của ISNT) và BARC.
Viện Công nghệ xạ hiếm (ITRRE) đã có bài trình bày tập trung vào thực trạng nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất monazite tại Việt Nam, qua đó ITRRE mong muốn hợp tác với Ấn Độ trong khai thác, tinh chế Th, U và đất hiếm nặng; quản lý và xử lý chất thải phóng xạ với phương thức nghiên cứu triển khai chung Việt Nam – Ấn Độ, hợp tác ba bên giữa ITRRE – IREL – các công ty của hai nước; trao đổi khoa học, đào tạo trực tuyến – tại chỗ, trao đổi chuyên gia và tham quan kỹ thuật.
Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (INST) có bài trình bày tổng quan về hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D), Phát triển nguồn nhân lực và Hợp tác quốc tế tại Viện. Theo đó, các đề xuất hợp tác tiềm năng với Ấn Độ thông qua kênh của GCNEP gồm có quan trắc phóng xạ môi trường và đánh giá tác động, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị, an toàn và bảo vệ bức xạ, lò phản ứng và máy gia tốc hạt nhân, và phát triển nguồn nhân lực đã được hai bên thảo luận.
Đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) có bài giới thiệu tổng quan về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, chức năng, quản lý nhà nước về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân của Cục ATBXHN, cũng như đề xuất hợp tác với Cơ quan Pháp quy năng lượng nguyên tử Ấn Độ (AERB). Cục ATBXHN đề xuất thúc đẩy hợp tác song phương với AERB để chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực trong đánh giá, cấp phép và kiểm tra an toàn, bao gồm các hoạt động liên quan đến nghiên cứu hạt nhân; sản xuất đồng vị phóng xạ; xuất nhập khẩu, vận chuyển nguồn phóng xạ loại 1, chiếu xạ công nghiệp, y tế… và sửa đổi các hoạt động NORM (gồm cả quản lý chất thải NORM). Hai bên cam kết xúc tiến triển khai Biên bản hợp tác (MOU) đã ký giữa Cục ATBXHN và AERB thông qua việc trao đổi kinh nghiệm, tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo và nâng cao năng lực…
Đại diện Viện Di truyền Nông nghiệp (AGI) có báo cáo về “Ứng dụng công nghệ sinh học kết hợp đột biến trong chọn tạo giống ở Việt Nam – Triển vọng hợp tác và thảo luận”. Trong bài trình bày, phía Việt Nam đề xuất các tiềm năng hợp tác về: (i) Trao đổi nguồn gen và hợp tác nghiên cứu di truyền phân tử các tính trạng đột biến; các nghiên cứu khác về ứng dụng đồng vị phóng xạ trong bảo vệ thực vật, dinh dưỡng cây trồng và bảo vệ môi trường; (ii) Đào tạo về di truyền đột biến và ứng dụng công cụ di truyền trong tạo giống đột biến; ứng dụng của đồng vị phóng xạ trong bảo vệ thực vật, dinh dưỡng cây trồng và bảo vệ môi trường; (iii) Dự án hợp tác tăng cường năng lực nghiên cứu về di truyền đột biến và ứng dụng trong đột biến cây trồng; (iv) Xây dựng các cơ sở chiếu xạ gamma cho mục đích tạo giống đột biến.
Kết thúc buổi họp ngày 25/5/2023, phía Ấn Độ bày tỏ sự hoan nghênh đối với những đề xuất hợp tác của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và ghi nhận các đề xuất này của Việt Nam và sẽ làm việc với các bên liên quan của Ấn Độ để xúc tiến các nội dung hợp tác sớm nhất có thể, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Hai bên ký Biên bản làm việc của Kỳ họp
Cũng trong khuôn khổ của Kỳ họp, Đoàn Ấn Độ đã có buổi gặp xã giao với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định vào sáng ngày 26/5/2023.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định tiếp xã giao Đoàn Ấn Độ sáng ngày 26/5/2023
Tại buổi gặp, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh giữa Việt Nam – Ấn Độ có lịch sử 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Ấn Độ là đối tác tin cậy trong các nền tảng hợp tác giữa hai nước. Trong khuôn khổ hợp tác đó, lĩnh vực khoa học và công nghệ được tăng cường và có nhiều thành tựu, đặc biệt là lĩnh vực NLNT. Trên cơ sở Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ về sử dụng NLNT vì mục đích hòa bình được ký lại vào ngày 9/12/2016, các Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp lần 1 (năm 2018) và lần 2 (năm 2021) được tổ chức và qua đó giúp triển khai một số hoạt động hợp tác giữa hai bên, trong đó nổi bật là việc cung cấp và vận chuyển nguồn Co-60 từ Ấn Độ về Việt Nam, tăng cường các hoạt động trao đổi về khai thác và chế biến sa khoáng đất hiếm.
Thứ trưởng cho biết, trong bối cành hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đều đang có các thách thức cũng như cơ hội riêng cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Việt Nam mong muốn cơ chế của Ủy ban hỗn hợp sẽ giúp tìm ra các lợi ích cho hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới ở các lĩnh vực: 1. Triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân; 2. Pháp quy hạt nhân; 3. Ứng dụng NLNT trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đặc biệt là y tế, công nghiệp, nông nghiệp và môi trường; 4. Triển khai dự án xây dựng hệ thiết bị nhiễu xạ neutron trên lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu của Viện NCHN; 5. Cung cấp nguồn Co-60; 6. Hợp tác trong khám phá, khai thác và chế biến tinh quặng monazite; 7. Đào tạo nguồn nhân lực về ứng dụng năng lượng hạt nhân trong y tế, chế biến khoáng sản đất hiếm. Thứ trưởng bày tỏ tin trưởng rằng hợp tác Việt Nam – Ấn Độ trong thời gian tới sẽ ngày càng đi vào thực tiễn và có kết quả tốt đẹp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của hai nước.
Đáp lại phát biểu của phía Việt Nam, ông Arun Kumar Nayak đã thay mặt Đoàn Ấn Độ cảm ơn Lãnh đạo Bộ KH&CN và các cơ quan liên quan đã dành tình cảm và sự đón tiếp nồng nhiệt đối với Đoàn, cũng như đã tổ chức thành công Kỳ họp với nhiều kết quả thảo luận tốt đẹp diễn ra trong ngày 25/5/2023. Ông Arun Kumar Nayak nhấn mạnh, Việt Nam – Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời. Hai nước sẽ có nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực điện hạt nhân, cũng như các ứng dụng khác trong công nghiệp, nông nghiệp và y tế.
Ông Arun Kumar Nayak cũng cho biết Ấn Độ là một trong những quốc gia đi đầu về chữa trị ung thư và có Bệnh viện Tata Memorial là bệnh viện hàng đầu trên thế giới về ngăn ngừa, điều trị, đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực này. Ấn Độ sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm trong đào tạo, chuyên môn liên quan đến chẩn đoán và phương pháp chữa trị ung thư.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thiết bị nhiễu xạ nơtron trong các hoạt động nghiên cứu và đào tạo chuyên môn, ông Arun Kumar Nayak cho biết phía Ấn Độ cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai dự án này. Đối với việc cung ứng nguồn Co-60, phía Ấn Độ đã cam kết sẽ cung cấp nguồn Co-60 cho Việt Nam dựa trên tinh thần hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo về sản xuất đồng vị phóng xạ trong công nghiệp, nông nghiệp, y tế cũng như việc quản lý và xử lý rác thải đô thị, hiện đang là một thách thức mà không chỉ riêng Ấn Độ phải đối mặt.
Ông Arun Kumar cho biết Ấn Độ có công nghệ mới, tiên tiến liên quan đến khám khá, khai thác và chế biến đất hiểm và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, đặc biệt để phục vụ mục đích thương mại nếu được phía Chính phủ Việt Nam đồng ý. Ngoài ra, ông Arun Kumar Nayak cũng mong muốn hai bên sẽ hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân; nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực về ứng dụng năng lượng hạt nhân và đồng vị phóng xạ trên cơ sở sử dụng nền tảng GCNEP, cơ sở đào tạo thuộc DAE.
Tiếp sau buổi tiếp xã giao với Thứ trưởng Lê Xuân Định, Đoàn Ấn Độ đã có các chuyến tham quan kỹ thuật trong cùng ngày tới Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, cơ sở của Viện Công nghệ xạ hiếm tại Phùng để tìm hiểu về cơ sở hạ tầng và thảo luận các vấn đề mà các bên quan tâm.
Đoàn Ấn Độ tham quan Phòng chuẩn đo liều tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân
Đoàn Ấn Độ tham quan kỹ thuật tại cơ sở của Viện Công nghệ xạ hiếm tại Phùng
Cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Ấn Độ lần thứ 3 về Hợp tác sử dụng NLNT vì mục đích hòa bình đã diễn ra thành công tốt đẹp, hứa hẹn mang lại hợp tác ngày càng thành công và hiệu quả trong tương lai. Cả hai bên mong muốn sẽ có nhiều cuộc họp trực tuyến và trực tiếp để thúc đẩy quá trình hợp tác đi vào chiều sâu./.