Thứ năm, 11/08/2022 22:00 GMT+7

Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật: Thể hiện tầm nhìn, chiến lược của Việt Nam trong sân chơi quốc tế

Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định tại Hội thảo khoa học trao đổi, thảo luận về các nội dung trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật.

Luật TC&QCKT số 68/2006/QH11 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/6/2006 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 (sau đây gọi là “Luật TC&QCKT”) là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Luật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tăng cường tính minh bạch trong xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại toàn cầu.

Qua 15 năm triển khai thực hiện, Luật TC&QCKT đã tạo chuyển biến tích cực đối với hoạt động liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đáp ứng quy định của Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia, hợp tác quốc tế sâu rộng về thương mại tự do theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP dẫn đến việc thực thi các Hiệp định này cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ngày càng đối mặt nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, với chủ chương của Đảng, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đối với sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; nhu cầu đổi mới sáng tạo và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; yêu cầu đổi mới mô hình quản lý khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; vai trò, tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của các hiệp hội, doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho thấy Luật TC&QCKT trải qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng thực tiễn khách quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm thi hành các cam kết về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.
 

 Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Trương Vân)
 

Phát biểu tại Hội thảo, TS Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19- KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, theo đó, giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ Đề nghị xây dựng Luật để sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT, Bộ KH&CN đã hoàn thiện hồ sơ và gửi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan. Nhằm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo khoa học để trao đổi, thảo luận, góp ý về các nội dung trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT.

"Luật TC&QCKT được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006 như một minh chứng khẳng định rằng Việt Nam đã sẵn sàng tiến vào thế giới mở, sẵn sàng tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Qua hơn 15 năm thực hiện Luật TC&QCKT, hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được nâng lên cả chất và lượng, công tác kế hoạch, xây dựng, thẩm định, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã chặt chẽ hơn; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch hơn, phù hợp quy định WTO và thông lệ quốc tế, không chỉ góp phần đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên thị trường mà còn đóng góp lớn vào thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam ra thế giới", Thứ trưởng Bộ KH&CN nói.
 

 Lãnh đạo Bộ KH&CN, Tổng cục TCĐLCL điều hành phiên thảo luận.
 

Cũng theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, đến nay, Bộ KH&CN đã công bố hơn 13.000 TCVN, đạt tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực 60%. Các bộ, ngành, địa phương ban hành trên 800 QCVN, Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP) tập trung vào đối tượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, kiểm soát môi trường, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, công nghệ thông tin, an toàn thực phẩm, PCCC… 

Luật TC&QCKT là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có những đối tác quan trọng như Anh, Canada, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Úc, đặc biệt Việt Nam đã hoàn tất một số hiệp định thế hệ mới mang tính chiến lược như EVFTA, CPTPP, RCEP...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới có nhiều thay đổi khó lường, tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 cho thấy Luật TC&QCKT đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định, liên quan đến các vấn đề cốt lõi như chiến lược quốc gia trong phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hoàn thiện hạ tầng chất lượng quốc gia, hợp tác quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều FTA thế hệ mới, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn... đã được nêu cụ thể tại hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật.

Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước, trong đó, nhấn mạnh hai nội dung. Thứ nhất, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả. Thứ hai, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.

Đây là hai trong những mục tiêu, định hướng mà Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT hướng tới. Các nội dung được xem xét sửa đổi, bổ sung không chỉ khắc phục tồn tại, bất cập trong Luật TC&QCKT hiện hành, mà quan trọng hơn, sẽ thể hiện tầm nhìn, chiến lược của Việt Nam trong sân chơi quốc tế, khu vực.
 

Đông đảo các đại biểu tham dự hội thảo. 
 

"Để đất nước có thể phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn nữa chúng ta cần tích cực hơn trong phát triển KT-XH, chủ động hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tôi tin rằng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là những công cụ hữu hiệu để đạt được mục tiêu này, giúp nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên thị trường thương mại quốc tế", Thứ trưởng Lê Xuân Định cho hay.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe phía Tổng cục TCĐLCL trình bày Dự thảo Báo cáo đánh giá tổng kết thi hành Luật TC&QCKT do bà Phạm Thị Phương Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn trình bày; Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Luật TC&QCKT do ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn trình bày; Dự thảo đề cương sửa đổi Luật TC&QCKT do TS Hà Minh Hiệp, Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục trình bày. Đồng thời, thảo luận, trao đổi, góp ý về các nội dung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT.

Những nội dung chính được rà soát, sửa đổi, bổ sung trong Luật TC&QCKT

Thông qua công tác tổng kết 15 năm thực hiện Luật, khảo sát, đánh giá tại các Bộ ngành, địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất sửa Luật TC&QCKT tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:

- Thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế trong FTA thế hệ mới về yêu cầu minh bạch hoá.

- Xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia và phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia.

- Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn; Nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương và cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo nhân lực hoạt động trong hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

- Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia; Hoàn thiện quy định về nguyên tắc, căn cứ, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành TCVN, QCVN, QCĐP.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý tiêu chuẩn cơ sở của doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng.

- Tạo thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận dễ dàng hơn thông tin về TCVN, QCKT, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài, đồng thời đảm bảo hiệu quả của hoạt động quản lý, khai thác tiêu chuẩn.

- Tăng cường tính hiệu quả của hoạt động đánh giá sự phù hợp, tuân thủ cam kết FTA thế hệ mới.


 

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 9419

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)