Tham dự và chủ trì hội nghị có ông Phạm Thế Dũng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; ông Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương và ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang. Tham dự Hội nghị có đại diện một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ KH&CN; các viện nghiên cứu, trường đại học; Lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh Bắc Giang…
Toàn cảnh hội nghị.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, thời gian qua tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó tập trung cho cây vải thiều. Mặc dù vậy, do vải thiều có tính mùa vụ cao, sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn; chất lượng vải thiều không đồng đều giữa các địa phương và các vùng nên công tác bảo quản, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ gặp khó khăn.
Đại diện Cục đã trình bày kết quả điều tra, khảo sát lựa chọn công nghệ bảo quản vải và chia sẻ về thực trạng ứng dụng các công nghệ chế biến, bảo quản vải thiều tại tỉnh Bắc Giang trong thời gian vừa qua. Qua đó cho thấy hầu hết các công nghệ bảo quản tươi chưa đáp ứng được về thời gian bảo quản phù hợp với việc vận chuyển bằng đường biển khi xuất khẩu, trong khi chi phí đầu tư thiết bị lớn, chi phí sản xuất cao, thiết bị chỉ được sử dụng theo mùa vụ.
Đã có năm báo cáo được trình bày và hơn mười ý kiến trao đổi tại Hội nghị, trong đó có bài trình bày của PGS. TS. Nguyễn Đình Tùng, Viện trưởng nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy nông nghiệp (Bộ Công Thương), cho rằng dù sấy bằng công nghệ nào thì tiết kiệm năng lượng, ổn định chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng, quyết định đến giá trị gia tăng. Do đó cơ quan chuyên môn, các địa phương cần nghiên cứu, lựa chọn mô hình phù hợp với nguồn lực cũng như lao động tại địa phương... Với chất lượng vải thiều của Bắc Giang như hiện nay, ông đã giới thiệu và khuyến nghị một số mô hình công nghệ thiết bị sấy đối lưu cưỡng bức sử dụng lò đốt gián tiếp nhiên liệu sinh khối để tạo tác nhân sấy cho người dân, doanh nghiệp lựa chọn.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, ông Phạm Thế Dũng nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của quả vải thiều thì cần có những giải pháp, công nghệ đồng bộ, hiệu quả trong từng công đoạn, cũng như trong cả chuỗi sản xuất sản phẩm vải thiều từ: công nghệ lai tạo giống vải trái vụ hoặc kéo dài thời gian thu hoạch của quả vải; nghiên cứu một số công nghệ sấy, thiết bị sơ chế bóc vỏ quả bóc cùi vải… nhằm phục vụ cho các dây chuyền sản xuất, chế biến sâu từ quả vải: cùi vải đóng lon, nước vải, mất vải, ômai vải… Trước mắt, Cục và Sở căn cứ theo nhu cầu thực tế của tỉnh phối hợp với các nhà khoa học để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các mô hình sấy tiên tiến, đa dạng công nghệ phù hợp với các nhóm đối tượng để đáp ứng yêu cầu của từng loại thị trường đầu ra, đặc biệt là thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản và Châu Âu. Đồng thời, đề nghị tỉnh Bắc Giang xem xét đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu một số giải pháp, công nghệ cụ thể giải quyết tồn tại nhằm nâng cao giá trị quả vải thiều như: Tiếp tục nghiên cứu cải tiến công nghệ bảo quản quả vải tươi nhằm nâng cao công suất, tăng thời gian bảo quản đáp ứng việc xuất khẩu bằng đường biển với chi phí hợp lý.
Đại diện Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang ký Chương trình phối hợp.
Nhân dịp này, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang ký Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN, giai đoạn 2022-2025.