Đoàn công tác gồm 08 cán bộ do bà Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử, cán bộ điều phối quốc gia hợp tác với IAEA làm Trưởng đoàn và các cán bộ lãnh đạo, chuyên gia của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Về phía IAEA có ông Gashaw Wolde, Trưởng nhóm phụ trách hợp tác Châu Á Thái Bình Dương 1 (TCAP 1), bà Mio Kato, cán bộ quản lý dự án khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về phía Lào có đại diện Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Thể thao, cán bộ điều phối quốc gia hợp tác với IAEA và cán bộ đến từ Vụ Khoa học - Bộ Giáo dục và Thể thao; Bệnh viện Mittaphab - Bộ Y tế; Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Công Thương; Viện Nghiên cứu Nông Lâm nghiệp quốc gia và Phát triển nông thôn - Bộ Nông Lâm nghiệp.
.
Các đại biểu Việt Nam, IAEA và Lào tại phiên khai mạc của Đợt làm việc.
Phát biểu tại Phiên khai mạc của đợt làm việc, bà Trần Bích Ngọc khẳng định thông qua Thỏa thuận hợp tác ba bên, Việt Nam có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho nước bạn trên cơ sở năng lực kỹ thuật hiện tại của quốc gia cũng như xây dựng hạ tầng pháp quy để ứng dụng năng lượng nguyên tử. Kể từ khi được ký kết, các bên đã triển khai một số hoạt động và đạt được những kết quả nhất định. Trong giai đoạn 2020-2021, trước những thách thức đặt ra do dịch Covid-19 cũng như ảnh hưởng của sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức Bộ Khoa học và Công nghệ Lào, các cơ quan liên quan của Bộ Khoa học và Công nghệ nước ta đã tích cực phối hợp với phía bạn để tổ chức một số hội thảo, khóa đào tạo về kiểm tra không phá hủy (NDT), ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, thanh tra an toàn bức xạ và hạt nhân.
Trưởng đoàn Việt Nam cho biết trong đợt làm việc này, các chuyên gia của Việt Nam và IAEA sẽ phối hợp với phía Lào xác định hiện trạng và nhu cầu phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của Lào, tiến tới ký kết mới Thỏa thuận hợp tác ba bên trong giai đoạn 5 năm tới. Đồng thời, Đoàn sẽ cùng với các chuyên gia IAEA hoàn thiện kế hoạch hành động hỗ trợ nước bạn xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân bảo đảm an toàn, an ninh.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Gashaw Wolde khẳng định trong năm qua, thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật, IAEA đã và đang nỗ lực giúp đỡ các quốc gia thành viên thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường năng lực cho các quốc gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân, phát triển nguồn nhân lực. Ông cũng nhấn mạnh hợp tác Nam - Nam (South-South Cooperation) là cơ chế hợp tác hiệu quả để thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình tại các quốc gia đang phát triển để tận dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia cũng như tăng cường hợp tác quốc tế. Dự án hợp tác ba bên Việt Nam - IAEA - Lào được IAEA rất quan tâm và coi như hình mẫu để phổ biến nhân rộng đối với các quốc gia khác trong khu vực. Ông Gashaw Wolde đánh giá cao những nỗ lực của các bên để triển khai Thỏa thuận trước những khó khăn trong thời gian qua. Ông khẳng định cơ chế hợp tác này đang phát huy hiệu quả và sẽ tiếp tục được IAEA hỗ trợ trong tương lai.
Một phiên thảo luận của Đợt làm việc.
Về phía Lào, bà Kongchay Phimakong, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đồng thời là cán bộ điều phối quốc gia hợp tác của Lào với IAEA cho biết trong thời gian vừa qua, cùng với sự thay đổi về cơ cấu tổ chức trong Chính phủ Lào, công tác quản lý nhà nước về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử cũng như bảo đảm an toàn, an ninh cho các hoạt động này gặp nhiều khó khăn. Việc các chuyên gia IAEA và Việt Nam tới làm việc tại Lào lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng để có thể giúp Lào tăng cường năng lực kỹ thuật cho cán bộ, khuyến nghị và định hướng cho sự phát triển trong tương lai thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật của IAEA dành cho Lào cùng với những kinh nghiệm đi trước của Việt Nam.
Trong Đợt làm việc lần này, Đoàn Việt Nam và Lào sẽ trao đổi các nội dung về cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, khuôn khổ pháp quy và các hoạt động bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân, an ninh và thanh sát hạt nhân, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực y tế, công nghệ NDT, các hoạt động đo liều cá nhân, hiệu chuẩn và bảo dưỡng thiết bị phát hiện bức xạ. Đoàn cũng sẽ đến thăm các cơ sở có dự án hợp tác kỹ thuật giữa Lào và IAEA.
Kết thúc đợt làm việc, Đoàn công tác sẽ thông qua báo cáo đánh giá hiện trạng và các khuyến cáo, đề xuất nhằm thúc đẩy ứng dụng phát triển năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn và an ninh ở Lào.