Thứ sáu, 17/12/2021 16:53 GMT+7

Hội thảo đầu bờ nhân giống, trồng cây cam thảo đất và cam thảo dây theo hướng GACP-WHO

Trong khuôn khổ thực hiện đề tài KH&CN cấp tỉnh, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Binh tổ chức hội thảo đầu bờ giới thiệu kỹ thuật nhân giống, trồng cây cam thảo đất và cam thảo dây theo hướng GACP-WHO tại huyện Gia Viễn.

Từ tháng 1 năm 2020, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng - Bộ Khoa học và Công nghệ được UBND tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình giao chủ trì đề tài: “Nghiên cứu quy trình nhân giống, trồng, sơ chế cây Cam thảo đất (Scopariadulcis L.) và Cam thảo dây (Abruspreatorius L.) theo hướng GACP-WHO phục vụ người tiêu dùng và khách du lịch tỉnh Ninh Bình”.  

Đề tài thực hiện trong 2 năm với mục tiêu:  Nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nhân giống cây Cam thảo đất và Cam thảo dây tại huyện Gia Viễn. Xây dựng mô hình trồng cây Cam thảo đất năng suất đạt 2 tấn khô/ha và cây Cam thảo dây năng suất đạt 2,5 tấn khô/ha theo hướng GACP – WHO tại huyện Gia Viễn. Áp dụng hoàn thiện quy trình canh tác, sơ chế cây Cam thảo đất, Cam thảo dây theo hướng GACP – WHO phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Gia Viễn.

Trong khuôn khổ thực hiện đề tài, ngày 14/12/2021, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Binh tổ chức hội thảo đầu bờ giới thiệu kỹ thuật nhân giống, trồng cây cam thảo đất và cam thảo dây theo hướng GACP-WHO tại huyện Gia Viễn.
 

Các đại biểu tham quan mô hình Cam thảo đất tại xã Gia Hoà (Gia Viễn)

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở Khoa học - Công nghệ; Chủ nhiệm đề tài; đại diện Chi cục Trồng trọt và BVTV, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT); đại diện các hộ dân thôn Đá Hàn, xã Gia Hòa (Gia Viễn).

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe giới thiệu kết quả đề tài sau 2 năm triển khai, cụ thể như sau: Đề tài đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nhân giống cây Cam thảo đất và cây Cam thảo dây tại huyện Gia Viễn; Xây dựng được 01 vườn ươm cây giống 500m2; Xây dựng được 01 mô hình nhân giống Cam thảo đất qui mô 300m2; Hoàn thiện được 01 qui trình nhân giống cam thảo dây bằng hạt; Nhân giống được 46.800 cây giống cam thảo đất bằng phương pháp giâm hạt; Xây dựng được 01 mô hình nhân giống Cam thảo dây quy mô 200m2. Nhân giống được 11000 cây giống cam thảo dây bằng phương pháp giâm hom. Áp dụng, nghiên cứu hoàn thiện 01 quy trình canh tác cây Cam thảo đất, 01 quy trình canh tác Cam thảo dây theo hướng GACP – WHO phù hợp với điền kiện tự nhiên của huyện Gia Viễn. Xây dựng được 01 mô hình trồng cây dược liệu Cam thảo đất quy mô 0,5 ha. Xây dựng được 01 mô hình trồng cây Cam thảo dây quy mô 0,5 ha theo hướng GACP – WHO tại huyện Gia Viễn. Hoàn thiện 01 quy trình sơ chế dược liệu Cam thảo đất và 01 quy trình sơ chế Cam thảo dây. Tổ chức được 02 hội thảo cho 60 người dân, cán bộ kỹ thuật. Tập huấn được 20 cán bộ kỹ thuật viên về nhân giống, trồng và sơ chế cam thảo đất và cam thảo dây theo hướng GACP-WHO.

Các quy trình sản xuất có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, dễ thực hành chủ động được nguồn nguyên liệu làm thuốc, làm chủ được quy trình từ đầu vào đến đầu ra, sẽ đảm bảo được chất lượng sản phẩm, hoàn toàn có thể cạnh tranh về chất lượng. Sản xuất Cam thảo đất và Cam thảo dây theo hướng GACP-WHO trên quy mô lớn, sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu tập trung, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn, đóng góp cung cấp nguồn dược liệu tốt cho địa phương để phát triển sản phẩm.

Nhân rộng sản xuất cam thảo đất và cam thảo dây theo hướng GACP-WHO (trồng, chế biến đạt tiêu chuẩn làm nguồn dược liệu), sẽ tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn, đồng thời cung cấp nguồn dược liệu tốt phát triển nhiều mặt hàng (y, hóa mỹ phẩm…), góp phần tăng nguồn thu nhập cho người dân địa phương và phát triển kinh tế xã hội vùng. 

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là tài liệu tham khảo có giá trị cho các nghiên cứu về trồng trọt theo hướng GACP-WHO có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chế biến một số sản phẩm, thực hiện giải pháp nông nghiệp bền vững./.

Nguồn: Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng

Lượt xem: 1518

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)