Nhóm sinh viên Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) nghiên cứu đề tài “Chế tạo vật liệu Aerogel từ sinh khối nông nghiệp ứng dụng cho xử lý nước nhiễm xăng, dầu”.
Nỗ lực vượt khó khăn
Nghiên cứu khoa học được đánh giá là phương pháp hiệu quả để sinh viên mở rộng vốn kiến thức cũng như kỹ năng mềm của bản thân. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, sinh viên trên cả nước phải dừng học tập trung kéo dài, khiến quá trình nghiên cứu khoa học cũng bị ảnh hưởng.
Sinh viên Phạm Thị Hương Giang (Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: “Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên phòng thí nghiệm thường xuyên phải đóng cửa, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ nghiên cứu của nhóm. Mặt khác, cả nhóm cũng không thể gặp nhau trực tiếp để trao đổi và cùng làm việc”. Cũng gặp khó khăn tương tự, sinh viên Hoàng Bảo Linh (Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội) cho biết, trong thời gian nghỉ, em và các bạn không thể đến phòng thí nghiệm, khiến dự án không tiến triển được nhiều.
Hướng dẫn các nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hạ, giảng viên Bộ môn Cơ sở thiết kế máy và robot (Viện Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên và các hoạt động nghiên cứu khoa học chung của nhà trường. Việc phải giảng dạy và nghiên cứu khoa học bằng hình thức trực tuyến cũng hạn chế sự trao đổi ý tưởng, hợp tác thiết kế chế tạo và thử nghiệm mô hình, thiết bị trong phòng thí nghiệm đối với hầu hết các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Không những thế, dịch Covid-19 còn gây khó khăn trong việc tìm kiếm vật tư, linh kiện thí nghiệm, làm mô hình thực nghiệm.
Dịch Covid-19 bùng phát cũng khiến thời gian tổ chức hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học của các trường phải thay đổi. Năm 2020, Trường Đại học Giao thông - Vận tải đã lùi lịch tổ chức hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học đến tháng 7 và năm nay, hội nghị dự kiến diễn ra vào tháng 8. Tuy nhiên, với tinh thần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng dạy và học, nhiều trường nỗ lực vượt khó, tăng cường tổ chức bằng hình thức trực tuyến, như: Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội... Mỗi nhóm sinh viên vẫn có thể báo cáo tóm tắt nội dung và kết quả thực hiện đề tài trước hội đồng nghiệm thu, thời gian trình bày báo cáo không quá 10 phút.
Phong trào nghiên cứu khoa học vẫn sôi nổi
Trước những khó khăn do dịch bệnh gây ra, hầu hết các sinh viên đã tìm cách khắc phục để sản phẩm không bị gián đoạn. Theo sinh viên Phạm Thị Hương Giang (Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), chính hoàn cảnh khó khăn đã giúp các thành viên trong nhóm đoàn kết hơn, biết cách xử lý vấn đề và phân chia công việc để hoàn thành đúng hạn nghiên cứu của mình.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huân, Trưởng phòng Khoa học, công nghệ và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông), cuộc thi năm nay, nhà trường nhận được 44 ý tưởng đăng ký tham dự của các tác giả, nhóm tác giả. Các ý tưởng được đưa ra đều có tính mới, sáng tạo, giá trị khoa học và tính ứng dụng trong thực tiễn.
Còn tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, số lượng đề tài tham gia hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2021 vẫn giữ ổn định so với các năm trước (324 đề tài tham dự trong đó có 177 đề tài thuyết trình, 147 đề tài báo cáo dưới dạng áp phích; 88 sản phẩm đề xuất triển lãm). Chất lượng các đề tài dự thi được hội đồng đánh giá tốt, với 22 bộ giải được đề xuất, 12 đề tài xuất sắc được đề cử đi thi cấp bộ...
“Tuy không được gặp mặt trực tiếp và cảm nhận không khí giao lưu giữa các đội thi, song các thầy, cô giáo đều thấy rõ việc nghiên cứu nghiêm túc, tâm huyết của các nhóm thi dù gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết.
Rõ ràng, dù còn nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhưng với số lượng và sự phong phú của các đề tài đăng ký ở nhiều trường đã cho thấy nhiệt huyết của sinh viên trong phong trào nghiên cứu khoa học. Nhiều sản phẩm, như: Buồng lấy mẫu cách ly an toàn, máy giám sát truyền dịch bằng cách quét mã QR, robot tự hành thông minh... được nghiên cứu trong thời điểm dịch Covid-19 là minh chứng cho tinh thần vượt khó, tích cực nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Trong khi đó, các nhà trường thông tin, sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ sinh viên có thể hoàn thành nghiên cứu một cách thuận lợi nhất, như: Điều chỉnh lịch báo cáo nghiên cứu khoa học sinh viên; tăng thời lượng mở cửa các phòng thí nghiệm để sinh viên thực hành khi dịch được kiểm soát...
Liên kết nguồn tin:
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/1008203/sinh-vien-vuot-kho-nghien-cuu-khoa-hoc