Thứ hai, 18/10/2021 12:51 GMT+7

Chuyển đổi số - yêu cầu của thời đại

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu mang lại những giá trị to lớn cho loài người. Nhưng để nắm bắt, phát triển mạnh mẽ, bền vững, đòi hỏi mỗi quốc gia và mỗi cá nhân cần nỗ lực đẩy nhanh áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm tăng khả năng cạnh tranh, hội nhập, đáp ứng yêu cầu thời đại.

Công nghệ thông tin đã và đang đem lại cách tiếp cận, làm việc mới, nhanh gọn, hiệu quả cho con người.

Sức mạnh của công nghệ

Công nghệ thông tin đã và đang đem lại cách tiếp cận, làm việc mới, nhanh gọn, hiệu quả cho con người. Khoảng cách không gian được thu hẹp, giao dịch thuận lợi, minh bạch hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, vai trò của công nghệ thông tin, công nghệ số càng được khẳng định rõ nét. Với các nền tảng mạng xã hội, thông tin công khai, đa chiều, dễ tiếp cận, nếu có khả năng phân tích, người dân có cái nhìn khách quan, chính xác về nhiều vấn đề trên thế giới. Thông tin thông suốt, cùng với sự linh hoạt, sáng tạo của mỗi doanh nghiệp, quốc gia, đã hạn chế phần nào sự “đứt gãy” sản xuất, giao thương, từ đó giảm ảnh hưởng tiêu cực do dịch gây ra. Có thể hình dung nếu thiếu thương mại điện tử, thế giới sẽ khó khăn thế nào trong thời gian vừa qua.

Đại dịch cũng khiến người dân tích cực, chủ động hơn trong việc tiếp cận, sử dụng các ứng dụng khoa học, đặc biệt là công nghệ thông tin nhằm phục vụ đời sống hằng ngày. Dù chỉ ở mức độ đơn giản, nhưng sự kết nối cộng đồng thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo... đã tạo hiệu ứng và hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là trong kết nối, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ nhau trong thời gian giãn cách, phong tỏa. Lực lượng y tế, đặc biệt là trên tuyến đầu, cũng tích cực sử dụng mạng xã hội để trao đổi thông tin, kinh nghiệm xử lý ca bệnh, những tình huống mới phát sinh để chống dịch hiệu quả. Đặc biệt, chính quyền cơ sở và các tổ chức xã hội, đoàn thể tại nhiều phường, xã, quận, huyện cũng lập các tài khoản mạng xã hội để cung cấp thông tin chính thức kịp thời tới người dân cũng như các hội, nhóm thiện nguyện. Tất cả tạo nên sự liên kết hữu hiệu, tương tác, phản hồi kịp thời để cộng đồng cùng nhau vượt qua những khó khăn chưa từng có tiền lệ. Không chỉ cung cấp thông tin, phản hồi kịp thời, mà thông tin có tính định hướng, có sức thuyết phục còn khiến tin giả, tin xấu, tin độc mất đi “đất diễn”.

Ở cấp độ cao hơn, đúng nghĩa chuyển đổi số, theo thông tin tại Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử năm 2021 diễn ra ngày 9-9, hệ thống chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến nước ta đang có sự phát triển vượt bậc. Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, sau hơn một năm triển khai, cổng dịch vụ công đã tích hợp hơn 2.900 thủ tục hành chính của 21 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố; hơn 57 triệu hồ sơ được xử lý, tiết kiệm ngân sách khoảng 8.000 tỷ đồng/năm.

Còn theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2020, thứ hạng phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 2 bậc lên vị trí thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thế nhưng, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí thứ 6, khiến lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển chưa thực sự bứt phá. Dịch bùng phát, dưới sự chỉ đạo vào cuộc của các cơ quan chức năng, những phần mềm như Bluezone, Ncovi, Khai báo y tế, Sổ sức khỏe điện tử... đã nhanh chóng xuất hiện, được người dân hưởng ứng, cài đặt sử dụng. Để bảo đảm tính liên thông, hiệu quả cao hơn cho công tác phòng, chống dịch, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, mới đây phần mềm PC-Covid đã ra đời.

Tại Hà Nội, để cụ thể hóa Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành, triển khai Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 với trọng tâm “tiếp tục cải cách hành chính và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” theo phương châm “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, dễ giám sát”. Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã... đã lập tức bắt tay vào việc, triển khai đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, nhất là trong các đợt giãn cách xã hội.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm, thời gian qua, cùng với các biện pháp về y tế, quản lý thì việc triển khai các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin cũng có vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch ở thành phố. Đặc biệt, với thông điệp “kiên quyết xử lý vi phạm với cơ sở kinh doanh, dịch vụ không có mã QR, vi phạm các quy định phòng, chống dịch”, dễ nhận thấy không chỉ tại các chợ, siêu thị mà mỗi hộ kinh doanh cũng đều dán mã QR để người dân quét, tạo điều kiện cho việc truy vết, khoanh vùng dịch bệnh, từng bước đưa nhịp sống trở lại bình thường.

Tiếp tục nỗ lực hơn nữa

EVN đặt mục tiêu chuyển đổi số thành công vào năm 2022. Ảnh: Đào Duy

Những kết quả đạt được rõ ràng là rất đáng khích lệ, nhưng so với thế giới, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong chuyển đổi số. Quan sát của phóng viên tại một số chợ, điểm kinh doanh nhỏ lẻ, dù mã QR được đặt ở vị trí thuận lợi, dễ quan sát, nhưng không phải tất cả người dân dành chút thời gian để quét, khai báo. Chi tiết nhỏ ấy thôi cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo để tìm ra giải pháp nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong nhận thức và hành động. Bởi lẽ, trong một thế giới phẳng, phát triển nhanh hiện nay, không tiến đã là lùi. Không bắt kịp xu thế của thế giới sẽ làm giảm đi sức hấp dẫn, cạnh tranh, nếu không muốn nói còn gây cản trở cho du khách và nhà đầu tư quốc tế.

Tại Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử năm 2021, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn tới, cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả chính phủ điện tử để tăng sức cạnh tranh quốc gia. Cụ thể, cần tập trung vào những lĩnh vực nhiều tiềm năng, như đô thị thông minh, thương mại điện tử - hai lĩnh vực được kỳ vọng sẽ góp phần thiết thực trong việc ổn định tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn hậu Covid-19. Được biết, hiện có 38/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai đề án Đô thị thông minh. Việt Nam cũng đã chủ động tiếp cận và định hướng phát triển đô thị thông minh từ khá sớm, hạ tầng thông tin đã cơ bản được phủ sóng 4G; khả năng tiếp cận các dịch vụ về công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng các thiết bị di động ở mức khá cao. Thương mại điện tử năm 2020 của nước ta cũng tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Dự báo, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 là 29% và đạt quy mô 52 tỷ USD vào năm 2025.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Việt Nam đã ban hành văn bản chiến lược ở tầm quốc gia về phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số. Đây là kim chỉ nam xuyên suốt cho tất cả các hành động của Việt Nam trong thập niên tới - thập niên được Liên hợp quốc đánh giá là hành động theo mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số Việt Nam gắn liền với việc phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Để làm được điều đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, phải đưa toàn bộ dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương lên mức độ 4 và lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá kết quả chuyển đổi số.

Tại Hà Nội, Báo cáo công tác cải cách hành chính 9 tháng đầu năm 2021 của UBND thành phố đã nhấn mạnh: Thành phố tiếp tục quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để làm cơ sở xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Để tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, UBND thành phố cũng đã phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố Hà Nội - Xây dựng Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 với tầm nhìn “Đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử Hà Nội, đưa thành phố Hà Nội dẫn đầu cả nước và xếp thứ hạng cao trong khu vực về Chính quyền điện tử, tạo tiền đề phát triển Chính quyền số, thành phố Hà Nội phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực”.

Thành phố sẽ tiếp tục tăng cường triển khai mở rộng Hệ thống họp trực tuyến đến tất cả các điểm cầu tại các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Đồng thời khuyến khích, định hướng người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử... Đặc biệt, Cổng dịch vụ công thành phố và các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 dùng chung của thành phố sẽ được duy trì, đẩy mạnh. Thành phố đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát và đề xuất các thủ tục hành chính đáp ứng đủ yêu cầu, điều kiện cung cấp dịch vụ công mức độ 4, bảo đảm mục tiêu 100% cung cấp dịch vụ công mức độ 4 trong năm 2021, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng lộ trình và kế hoạch chung của Văn phòng Chính phủ. Tất cả đã và đang nỗ lực để đáp ứng yêu cầu thời đại.

Liên kết nguồn tin:

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/1014716/chuyen-doi-so---yeu-cau-cua-thoi-dai

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 2417

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)