Xoay (Dialium cochinchinensis Pierre)
Với mục tiêu “Phát triển lâm nghiệp bền vững kể cả về kinh tế, xã hội và môi trường, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh” (Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, 1565/QĐBNNTCLN, 2013) đã thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ lớn trên phạm vi cả nước, trong đó có vùng Tây Nguyên.
Huỳnh đường (Dysoxylum loureiri Pierre)
Tuy nhiên, rừng Tây Nguyên đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. Điều này đã dẫn đến rừng Tây Nguyên không còn đảm bảo đầy đủ các chức năng, trong đó có sự suy giảm khá lớn về mặt giá trị kinh tế của rừng. Vì vậy, cùng với các biện pháp khoanh nuôi và làm giàu rừng, thiết lập rừng trồng mới nói chung và tăng diện tích rừng trồng bằng các loài cây bản địa theo hướng kinh doanh gỗ lớn nói riêng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành lâm nghiệp Tây Nguyên. Một mặt vừa nâng cao giá trị thu lại từ rừng, mặt khác sẽ dần phục hồi được những cánh rừng đại ngàn mà trước đây đã từng là “đặc trưng” của vùng Tây Nguyên khi so sánh với các vùng miền khác trong cả nước.
Xoay và Huỳnh đường là các loài cây gỗ lớn, đa tác dụng, đồng thời là cây bản địa có phân bố tự nhiên rất nhiều ở Tây Nguyên. Xoay là loài cây gỗ lớn, gỗ bền đẹp có nhiều công dụng trong xây dựng, làm đồ mộc, mỹ nghệ. Quả Xoay là một loại lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao. Vì vậy việc nghiên cứu trồng rừng bằng cây Xoay nhằm cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy quả là đáp ứng được nhu cầu kinh doanh lâm nghiệp hiện nay. Loài Huỳnh đường Dysoxylum loureiri (tên địa phương ở Tây nguyên gọi Hoàng đàn trắng), là cây gỗ lớn, cao tới 3035m, đường kính trung bình 60 - 80cm, có cây đường kính trên 1m. Cây sinh trưởng được trên nhiều loại đất khác nhau, có thể gây trồng rừng, làm giàu rừng kinh tế có giá trị cao. Gỗ của 2 loài cây này nằm ở nhóm I và II trong bảng phân loại nhóm gỗ, có nhiều công dụng như làm đồ mộc cao cấp, mỹ nghệ, xây dựng… được thị trường rất ưa chuộng. Gần đây vì lợi ích kinh tế, Xoay và Huỳnh đường đã bị chặt phá nghiêm trọng và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, do vậy cần thiết phải nghiên cứu phát triển gây trồng 2 loài cây này nhằm trước mắt là phục vụ cho mục đích kinh doanh gỗ lớn đang ngày càng thiếu hụt trong ngành Lâm nghiệp; và sau đó sẽ hướng đến bảo tồn, phục hồi được những cánh rừng Xoay và Huỳnh đường, khôi phục được một trong những “đặc sản” vùng Tây Nguyên.
Đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật gây trồng Xoay (Dialium cochinchinensis Pierre) và Huỳnh đường (Dysoxylum loureiri Pierre) cung cấp gỗ lớn cho vùng Tây Nguyên”, do ThS Trần Hồng Sơn, Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới làm chủ nhiệm, là hợp đồng đặt hàng giữa Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Mục tiêu của đề tài là nhằm bổ sung cơ cấu trồng rừng cây bản địa, gỗ lớn có giá trị kinh tế cho vùng Tây Nguyên.
Sau đây là một số kết quả đáng chú ý mà dự án thu được:
* Đề tài đã chọn được lâm phần tốt cùng với 30 cây trội Xoay, đảm bảo nguồn cung cấp giống đầy đủ và chất lượng cao cho công tác trồng rừng tại khu vực Tây Nguyên và những vùng sinh thái tương tự.
* Đề tài cũng đã chọn được lâm phần tốt cùng với 30 cây trội Huỳnh đường, đảm bảo nguồn cung cấp giống đầy đủ và chất lượng cao cho công tác trồng rừng tại khu vực Tây Nguyên và những vùng sinh thái tương tự.
Kết quả của đề tài sẽ giúp bổ sung các đặc điểm sinh vật học của loài Xoay và Huỳnh đường, đặc điểm lập địa gây trồng, kỹ thuật thu hái, bảo quản hạt giống cũng như phương pháp tạo cây con và bước đầu đề xuất kỹ thuật trồng rừng cho 2 loài cây này theo hướng kinh doanh gỗ lớn.
Việc nghiên cứu các loài cây Xoay, Huỳnh đường trồng rừng mở ra một hướng mới cho trồng rừng lấy gỗ lớn và phục hồi các khu rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đã bị suy thoái nghèo kiệt nhằm đáp ứng nhu cầu về gỗ lớn và góp phần cung cấp gỗ lớn, bảo tồn nguồn gene là cấp thiết. Tiếp tục đi sâu giải quyết những vấn đề tồn tại đã nêu của đề tài sẽ là định hướng để nhóm nghiên cứu phát triển trong tương lai gần.
*Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.