Thứ hai, 25/10/2021 20:47 GMT+7

Sản xuất thử nghiệm 2 giống mía mới K88-92 và K88-200 tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Phát triển mía đường là một trong những ngành nghề phức tạp, mang tính xã hội rất lớn, nó bị chi phối bởi nhiều thành phần trong đó có Nhà nước, các công ty tư nhân, thương lái và nông dân trồng mía. Đặc biệt là nó luôn bị ảnh hưởng, tác động rất lớn từ thị trường đường của thế giới. Trong những năm qua, cây mía đã trải qua những giai đoạn thăng trầm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người nông dân, giá cả luôn bấp bênh. Mặt khác, sản xuất mía thường có nhu cầu công lao động phổ thông lớn, trong khi đó lực lượng lao động nông thôn bị thu hút bởi các công ty nước ngoài nên thiếu hụt nhiều, giá nhân công tăng cao, đây là một trong những yếu tố góp phần đẩy giá thành tăng, công thu hoạch chiếm 20 – 25% giá bán 1 tấn mía (Bộ NN&PTNT, 2016). Ngoài ra, cây mía được trồng trên diện tích manh mún, nhỏ lẻ, địa hình phức tạp, nên việc áp dụng cơ giới hóa sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Ngoài những yếu tố khách quan và chủ quan thì hiện nay sản xuất mía đường tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng như một số vùng trong cả nước vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, việc tiếp cận giống mía mới và tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật, các yếu tố mới trong quy trình canh tác mía còn rất yếu, triển khai còn chậm và không chịu đầu tư. Để kéo dài thời gian khai thác của một giống trong sản xuất thì việc tổ chức sản xuất và nhân giống luôn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng, khi trồng hom giống khỏe, đạt tiêu chuẩn chất lượng hom giống tốt, không bị sâu bệnh hại, sức sống mạnh hơn, đặc biệt thời gian mọc mầm sẽ nhanh hơn khi chúng ta sử dụng hom giống từ mía nguyên liệu (vì phải trải qua những giai đoạn chuyển hóa) mía mới mọc mầm trong thời gian này rủi ro xảy ra rất lớn (từ các yếu tố dưới mặt đất và hạn hán,…) và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm mùa vụ trồng mía ngày càng muộn. Mặt khác, đất trồng mía trong vùng gần như là đất chua (độ pH thấp, đa số dưới 4,5), làm ảnh hưởng rất lớn đến việc hấp thu phân bón của bộ rễ, dẫn đến hiệu quả sử dụng phân bón không cao, mức chi phí đầu vào lớn, dẫn đến hiệu quả của sản xuất thấp, làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của cây mía với các loại cây trồng có giá trị kinh tế khác.

Ngoài ra, cũng như các loại cây trồng khác, việc cung cấp dinh dưỡng từ trước tới nay ở các vùng miền nói chung chủ yếu là yếu tố đa lượng, yếu tố trung và vi lượng gần như chưa được quan tâm lưu ý tới, do vậy làm ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh trưởng, phát triển và khả năng chống chịu của cây, không phát huy hết được tiềm năng vốn có của vùng cũng như của các giống trong sản xuất. Tuy nhiên, để giúp người trồng mía nâng cao được hiệu quả sản xuất, tăng cường sức cạnh tranh của cây mía với các loại cây trồng khác, cũng như đối mặt với các yếu tố về biến đổi khí hậu thì quy trình canh tác mía phải không ngừng được cải thiện sao cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với đặc điểm của các giống trong sản xuất để phát huy ưu điểm và hạn chế nhược
điểm của giống, tăng cường khả năng sử dụng phân bón, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Xuất phát từ những khó khăn trên và trước yêu cầu cấp thiết của sản xuất, để góp phần bổ sung giống mía mới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của cây mía, ThS. Lê Thị Thường đến từ Viện Nghiên cứu Mía Đường cùng các đồng nghiệp thực hiện dự án “Sản xuất thử nghiệm 2 giống mía mới K88-92 và K88-200 tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Sau một thời gian tiến hành nghiên cứu nghiêm túc và khoa học, đề tài đã thu được một số kết quả như sau:

- Kết quả đánh giá từ các thử nghiệm về hoàn thiện quy trình nhân giống và quy trình thâm canh mía nguyên liệu trên giống K88-92 và K88-200 cho thấy các yếu tố cần hoàn thiện đều thể hiện được các ưu điểm vượt trội so với công thức đối chứng.

- Mô hình sản xuất thử nhân giống có năng suất, từ 94 đến 110 tấn/ha/vụ, lãi thuần thu được trên 50 triệu đồng/ha và vượt mô hình đối chứng trên 20 triệu đồng/ha, giá thành giảm từ 43 đến 128 ngàn đồng/tấn mía giống.

- Mô hình sản xuất thử thâm canh có năng suất trên 125 tấn/ha/vụ, vượt đối chứng 11 đến 23%, năng suất quy 10 CCS đạt trên 146 tấn/ha/vụ vượt mô hình đối chứng 15 đến 24%, lãi thuần vượt từ 14 đến 30 triệu đồng/ha, giá thành giảm từ 47 đến 140 ngàn đồng/tấn mía 10 CCS.

- Các tiến bộ kỹ thuật được hoàn thiện dễ áp dụng trên diện rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí sản xuất, không bị lãng phí, cải tạo đất và sản xuất theo hướng bền vững.


*Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14303) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 721

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)