Thứ tư, 13/10/2021 09:25 GMT+7

Bộ Khoa học và Công nghệ đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh tìm giải pháp KH&CN quản lý tổng hợp bệnh hại trên cây Ba Kích

Ba kích là một cây thuốc quý, có giá trị kinh tế cao, được gây trồng và phát triển ở nhiều tỉnh trung du, miền núi nước ta. Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng rễ Ba kích và các chế phẩm từ rễ Ba kích ngày một tăng. Vì vậy, nhiều địa phương đã lựa chọn cây ba kích là đối tượng để mở rộng diện tích trồng với mức đầu tư thâm canh cao.

Tại tỉnh Quảng Ninh, Ba kích là một trong số các cây lâm sản ngoài gỗ quan trọng được UBND tỉnh xác định là một trong 17 vùng sản xuất tập trung của tỉnh. Cùng với sản phẩm Trà hoa vàng, Ba kích đã được tỉnh đăng ký là sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Tuy nhiên, thực tế sản xuất ba kích tại tỉnh Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh khác trên cả nước nói chung đang gặp nhiều trở ngại lớn. Năm 2020, tại huyện Ba Chẽ, Hợp tác xã Toàn Dân đã có khoảng 100 ha ba kích bị chết không rõ nguyên nhân, tỷ lệ bệnh trung bình cao nhất từ 40-50%, có những vườn tỷ lệ bệnh lên đến 70% và thậm chí không cho thu hoạch. Tại huyện Hoành Bồ, từ năm 2014 đến nay, chỉ tính riêng diện tích trồng ba kích của Công ty Cổ phần Công nghệ xanh Đông Sơn, hiện tượng cây chết vẫn chưa có chiều hướng giảm, tỷ lệ bệnh từ 20-30%.
 


 

Củ và cây ba kích bị nhiễm bệnh (tại Quảng Ninh).

Theo khảo sát, đánh giá ban đầu của Viện Bảo vệ thực vật tại Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc cho thấy, tuyến trùng và sinh vật hại vùng rễ/củ ba kích xuất hiện rất phổ biến trên các vườn trồng ba kích. Đây là những đối tượng gây hại mới nổi với mức nguy hiểm cao, gây thiệt hại rất lớn đối với sản xuất ba kích. Do tuyến trùng trực tiếp gây tổn thương nghiêm trọng bộ rễ/củ, làm mất khả năng hút nước và dinh dưỡng của cây. Những vết thương do tuyến trùng gây ra tạo điều kiện thuận lợi để nhiều đối tượng vi sinh vật khác xâm nhập, gây bệnh và làm cho cây chết nhanh hơn. Trước sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh hại, nhiều nông dân phải chuyển đổi trồng ba kích sang một số loại cây trồng khác, dện tích trồng ba kích đang dần bị thu hẹp.

Để giúp người dân có được giải pháp quản lý, phòng chống tổng hợp tuyến trùng và sinh vật có nguồn gốc trong đất hại cây ba kích tạo sản phẩm ba kích có chất lượng tốt. Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ninh, Vụ Phát triển KH&CN địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Bộ KH&CN đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh, huy động các nhà khoa học tìm kiếm giải pháp khoa học và công nghệ nhằm giải quyết một cách bền vững vấn đề bệnh hại trên cây ba kích thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia Nghiên cứu giải pháp khoa học và công nghệ quản lý tổng hợp một số bệnh chính có nguồn gốc trong đất hại cây ba kích tại Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc”. Hy vọng rằng, kết quả của nhiệm vụ sẽ góp phần phát triển ổn định vùng chuyên canh cây ba kích tại Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc nước ta.

 

Nguồn: Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Lượt xem: 1558

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)