Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ gồm có 09 thành viên do GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Trương Quang Hải, Viện Việt Nam học & Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ (gọi tắt là Khu DTSQ Cần Giờ) là khu DTSQ thế giới đầu tiên của Việt Nam được tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận ngày 21/01/2000. Khu DTSQ Cần Giờ được thành lập theo mô hình bảo tồn đa mục đích, mô hình phát triển bền vững nhằm tạo ra sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên dựa trên sự đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa và phong tục tập quán của người dân nơi đây. Khu DTSQ Cần Giờ được ghi nhận là một trong những nơi có thành quả khôi phục và bảo vệ rừng ngập mặn tốt nhất trên thế giới. Sự phục hồi và phát triển tốt của hệ sinh thái rừng ngập mặn đã biến vùng đất hoang hóa, trơ trụi bị hủy diệt sau hơn 40 năm trở thành những khu rừng ngập mặn xanh bạt ngàn, cảnh quan đẹp và là môi trường sống thuận lợi cho các loài động thực vật sinh trưởng và phát triển.
Rừng ngập mặn và hợp lưu của sông Lò Rèn và sông Vàm Sát trong rừng Cần Giờ
Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng cơ chế, mô hình hợp tác giữa phát triển du lịch và bảo tồn bền vững đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ” do TS. Lê Bửu Thạch làm chủ nhiệm; Viện Sinh thái học Miền Nam là Cơ quan chủ trì được thực hiện từ tháng 10/2017 đến tháng 03/2021 với 3 mục tiêu chính:
1. Xác lập được cơ sở khoa học (lý luận và thực tiễn) cho sự hợp tác giữa phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học;
2. Xây dựng được cơ chế hợp tác giữa phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học;
3. Xây dựng và thử nghiệm được mô hình giữa phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học.
I. Kết quả đã đạt được của nhiệm vụ
1. Sản phẩm dạng II
1.1. Báo cáo tổng hợp đề tài;
1.2. Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài;
1.3. Báo cáo kiến nghị của đề tài;
1.4. Báo cáo 03 mô hình thử nghiệm hợp tác, chia sẻ hài hòa lợi ích giữa phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học của khu vực;
1.5. Báo cáo Cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, kinh tế - xã hội và du lịch khu DTSQ Cần Giờ.
2. Sản phẩm dạng III
2.1. 02 bài báo đăng trong kỷ yếu hội nghị quốc tế; 05 bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước;
2.2. Đào tạo 02 thạc sỹ, hỗ trợ đào tạo 01 nghiên cứu sinh.
II. Danh mục sản phẩm khoa học dự kiến ứng dụng, chuyển giao
Số TT
|
Tên sản phẩm
|
Thời gian dự kiến ứng dụng
|
Cơ quan dự kiến ứng dụng
|
1
|
Cơ chế giữa hợp tác phát triển du lịch và bảo tồn bền vững ĐDSH.
|
Tháng 10/2021
|
Ban quản lý Khu DTSQ Cần Giờ, cơ quan địa phương trong huyện Cần Giờ.
|
2
|
03 mô hình hợp tác phát triển du lịch và bảo tồn bền vững ĐDSH.
|
Tháng 05/2021
|
Đã áp dụng triển khai tại Khu du lịch Dần Xây và Khu du lịch sinh thái Vàm Sát; là cơ sở để nhân rộng trong toàn bộ Khu DTSQ.
|
3
|
Cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học (phần mềm BRAHM), kinh tế - xã hội và du lịch (phần mềm ArcGIS) khu DTSQ Cần Giờ.
|
Tháng 10/2021
|
Ban quản lý Khu DTSQ Cần Giờ, cơ quan địa phương trong huyện Cần Giờ và trong TP. Hồ Chí Minh.
Các doanh nghiệp du lịch tại Cần Giờ và TP. Hồ Chí Minh.
|
III. Về những đóng góp mới của nhiệm vụ
Đề tài đã tổng quan, phân tích cơ sở lý luận cơ bản về mối quan hệ hợp tác giữa phát triển du lịch và bảo tồn bền vững đa dạng sinh học, cùng các bài học thực tiễn trên thế giới cũng như Việt Nam phù hợp để vận dụng vào Khu DTSQ Cần Giờ. Đây là điểm mới của đề tài về mặt lý luận, làm cơ sở khoa học để xác định các vấn đề của sự hợp tác, lựa chọn thử nghiệm các mô hình và xây dựng cơ chế hợp tác.
Về bảo tồn ĐDSH, đã tổng hợp, thực hiện nghiên cứu và khảo sát bổ sung đa dạng sinh học Khu DTSQ Cần Giờ, góp phần quan trọng cập nhật và bổ sung cho tính đa dạng sinh học của Khu DTSQ Cần Giờ. Qua các khảo sát trên thực địa, nhiều hình ảnh, tọa độ phân bố các loài ghi nhận được trên thực địa đã được thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH cho Khu DTSQ Cần Giờ. Các thông tin đa dạng sinh học cập nhật có ý nghĩa quan trọng cho công tác nghiên cứu khoa học, quản lý bảo tồn ĐDSH và phát triển du lịch tại địa phương.
Về hiện trạng phát triển du lịch, đề tài đã xác định được thực trạng, tiềm năng, những khó khăn thuận lợi trong việc phát triển du lịch bền vững tại Khu DTSQ Cần Giờ; đã xác định thực trạng sự hợp tác giữa phát triển du lịch và bảo tồn bền vững ĐDSH, các nhóm vấn đề chính của sự hợp tác. Đây chính là cơ sở thực tiễn để xây dựng các mô hình thử nghiệm và cơ chế hợp tác có tính khả thi, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của địa phương.
Các đề xuất cơ chế hợp tác giữa phát triển du lịch và bảo tồn bền vững đa dạng sinh học Khu DTSQ Cần Giờ có tính khả thi, được xây dựng dựa trên cơ cở lý luận và thực tiễn nhằm giải quyết những vấn đề của sự hợp tác, tập trung vào các giải pháp nhằm tăng cường mối quan hệ tương hỗ, đồng thời giúp giải quyết các mâu thuẫn giữa phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương.
IV. Hiệu quả về kinh tế và xã hội của nhiệm vụ
Về mặt kinh tế, cơ chế hợp tác giúp cơ quan có thẩm quyền quản lý Khu DTSQ vận dụng một cách linh hoạt các chính sách, quy định pháp luật của nhà nước và địa phương; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển du lịch một cách bền vững; không những giảm thiểu các tác động tiêu cực của du lịch đến bảo tồn, mà còn giúp nâng cao hiệu quả các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế cộng đồng.
Về mặt xã hội, cơ chế hợp tác sẽ là công cụ cho các nhà quản lý Khu DTSQ tập hợp các bên liên quan, với sự tham gia chính của các doanh nghiệp và cộng đồng cùng đồng thuận xây dựng và thực hiện các mô hình phát triển du lịch và sinh kế bền vững; cơ chế hợp tác sẽ giúp hài hòa các lợi ích và giải quyết các mâu thuẫn trong phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương.
Hội đồng đánh giá nghiệm thu họp trực tuyến
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những đóng góp của Chủ nhiệm, tập thể tác giả và Cơ quản chủ trì; phần báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt có cấu trúc hợp lý, phù hợp với yêu cầu của một báo cáo khoa học; Về số lượng, khối lượng, tiến độ và chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu nhiệm vụ. Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài đạt yêu cầu. Đồng thời, yêu cầu tập thể tác giả tiếp thu các nội dung và chỉnh sửa cho phù hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định công nhận kết quả của nhiệm vụ.