Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chủ tịch Hội đồng khoa học, chủ trì hội nghị.
Cá đối mục thường gọi là cá đối sọc, cá đối đen, cá đối biển, cá đối xám, là một trong những đối tượng được quan tâm trong những năm gần đây do chất lượng thịt ngon, rất ít bệnh dịch, dễ nuôi.
Cá đối mục có thể nuôi ghép với nhiều đối tượng để tăng năng suất, hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo sản phẩm sạch... Hiện nay, một số hộ dân đã thử nghiệm nuôi cá đối mục trong ao đầm nước ngọt nhưng chưa có các biện pháp kỹ thuật nuôi phù hợp. Do đó, để đáp ứng nhu cầu của thực tế sản xuất, đề tài tiến hành thuần hóa cá đối mục từ môi trường lợ mặn sang môi trường nước ngọt và thử nghiệm nuôi thương phẩm từ nguồn giống thuần hóa. Sau 24 tháng triển khai, đề tài đã đạt được kết quả sau:
(1) Xây dựng quy trình và thực nghiệm thuần hóa cá đối mục
Nhóm nghiên cứu tiến hành thí nghiệm, thuần hóa tại trại sản xuất, ương dưỡng giống của Công ty TNHH Phát triển thủy sản Hoàng Hương (phường Tân Thành, quận Dương Kinh), với diện tích 200m2. Quy trình gồm: Chuẩn bị bể ương nuôi, với 36 bề nhựa có thể tích 1m2 và 17 bể thực nghiệm có thể tích 6m2; Nguồn nước có độ mặn 150/00, độ pH 7,5-8,5, DO: 5-6mg/l; Chọn giống kích cỡ 4-5cm/con, khỏe mạnh, đồng đều, được lựa chọn tại các cơ sở uy tín, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định, mật độ 300 con/m3; Quản lý bể ương đảm bảo nhiệt độ 22-270C, lượng thức ăn phù hợp, có độ đạm >30%, cho ăn 10-15% thể tích bể ương, bổ sung vitamin tổng hợp; định kỳ kiểm tra tăng trưởng chiều dài và khối lượng cá; thực hiện giảm độ mặn trong 7 ngày từ 150/00 xuống còn 0/00, tiến hành phòng bệnh, vệ sinh kỹ bể ương.
Kết quả cho thấy, sau 30 ngày thuần hóa, ương dưỡng 30.000 con giống cá đối mục (kích cỡ 4 - 5 cm/con), thu được 23.406 con giống cá đối mục với kích cỡ 6,8 - 7 cm/con (tỷ lệ sống 78,02%); (kích thước 6 - 8 cm/con; tỷ lệ sống > 70%).
(2) Nuôi thương phẩm cá đối mục từ nguồn giống thuần hóa trong ao đầm nước ngọt
Đề tài đã hoàn thành quy trình kỹ thuật nuôi cá đối mục thương phẩm trong đầm nước ngọt tại Hải Phòng: Lựa chọn ao nuôi thuận lợi cho việc cấp và thoát nước với diện tích 1.000-3.000m2, được phơi khô, cải tạo, bón vôi, gây màu, độ pH 7,0-8,0%, DO >3mg/lít, độ trong 20-30cm; Chọn cá giống khỏe mạnh, có kích cỡ đồng đều, không dị tật, có màu sắc đặc trưng của loài, không có dấu hiệu bệnh. Mật độ nuôi: 2,5 con/m2; Thường xuyên chăm sóc, quan sát hoạt động của cá, màu nước ao nuôi, thay nước 2 lần/tháng, theo dõi tăng trưởng, tỉ lệ sống của cá; Thức ăn cho cá là thức ăn công nghiệp (20-30 độ đạm), lượng cho ăn 1,5-1,7% khối lượng thân, cố định thời điểm, vị trí cho ăn; Thực hiện tốt phòng và trị bệnh, nâng cao sức đề kháng cho cá (bổ sung vitamin C).
Kết quả cho thấy, với ao nuôi đơn sử dụng thức ăn công nghiệp: Kích cỡ cá trung bình khi thu hoạch 0,44 kg/con, tỷ lệ sống đạt 72,4%; năng suất 7,96 tấn/ha (đạt yêu cầu đề ra); ao nuôi đơn sử dụng thức ăn tự chế: kích cỡ cá trung bình khi thu hoạch 0,43 kg/con, tỷ lệ sống đạt 71,5%, năng suất 7,69 tấn/ha. Đối với ao nuôi ghép (cá đối mục với cá rô phi, cá chép, cá mè): kích cỡ cá đối mục trung bình khi thu hoạch 0,467 kg/con; năng suất nuôi ghép 14,69 tấn/ha đạt yêu cầu đề ra.
Kết quả từ quá trình thí nghiệm, thực nghiệm cho thấy, cá đối mục có thể sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường nước ngọt, góp phần hạn chế dịch bệnh trong quá trình nuôi và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.
Theo Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu, đề tài cơ bản đạt được mục tiêu khoa học đề ra. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở để các trại sản xuất, ương dưỡng, giống thủy sản, các cơ sở nuôi nước ngọt tiếp tục áp dụng trong thời gian tới, nhằm tạo ra nguồn con giống cá đối mục có chất lượng. Bên cạnh đó, kết quả đề tài góp phần nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp vào sự phát triển bền vững, ổn định của nghề nuôi trồng thủy sản./.