Thứ năm, 19/08/2021 17:06 GMT+7

Ấn phẩm mới của IAEA về ứng dụng công nghệ hạt nhân giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp

Đầu năm 2021, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã xuất bản ấn phẩm mới hướng dẫn sử dụng kỹ thuật hạt nhân cùngcác kỹ thuật liên quan khác để đo lường và đề xuất phương án giảm thiểu lượng khí nhà kính phát thải trong nông nghiệp.Ấn phẩm tổng hợp các kết quả được thực hiện từ năm 2014 thuộc Dự án nghiên cứu phối hợp của IAEA, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Dự án nghiên cứu thuộc Quỹ Khoa học Đức về tích hợp kiểm soát và mô hình hóa quá trình khử nitơ trong đất nông nghiệp ở quy mô khác nhau.

Các hoạt động sản xuất nông nghiệp góp phần lớn vào việc phát thải khí nhà kính, trong đó chủ yếu là từ việc lạm dụng phân bón. Trồng trọt, chăn nuôi và khai thác tài nguyên đất tạo ra đến 23% lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra. Ngành nông nghiệp chỉ đứng sau ngành năng lượng về lượng phát thải khí nhà kính. Các nhà khoa học thông qua ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong quản lý và đo lường chính xác lượng phân bón sử dụng của cây trồng, qua đó khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón nông nghiệp một cách thích hợp và tối ưu hóa quá trình trồng trọt. Qua một số nghiên cứu và thử nghiệm, việc sử dụng công nghệ hạt nhân đểxác định lượng phân bón cây trồng đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong trồng trọt lên đến hơn 50%.
 

Ấn phẩm mới “Đo lường phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và đề xuất các phương án giảm thiểu sử dụng kỹ thuật hạt nhân và các kỹ thuật liên quan” của IAEA.

Đây là ấn phẩm đầu tiên đưa ra các phương pháp luận khác nhau được trình bày một cách tổng hợp và khái quát, dành cho các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật và những người làm việc trong ngành. Ấn phẩm có 8 chương, bao gồm các chủ đề về phát thải khí nhà kính nông nghiệp, nguồn phát thải và các phương pháp đo lượng khí phát thải bao gồm các phương pháp sử dụng đồng vị phóng xạ, phương pháp phi phóng xạ, phương pháp vi khí tượng, phương pháp phòng thí nghiệm và phương pháp thực nghiệm. Ấn phẩm cũng trình bày về phương pháp đo lượng khí metan phát thải từ chăn nuôi và thảo luận về các mô hình nông nghiệp thông minh giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính.Ấn phẩm của IAEA cũng đề cập đến các giải pháp thực tế về cách thực hiện các phương pháp luận đã đưa ra, sử dụng cả phương pháp công nghệ cao và công nghệ thấp để có được những lợi ích cụ thể.

Kỹ thuật hạt nhân có thể xác định nguồn và quá trình gây phát thải khí nhà kính. Ông Mohammad Zaman, nhà khoa họcvề đất và dinh dưỡng thực vật tại Trung tâm Kỹ thuật hạt nhân trong thực phẩm và nông nghiệp của FAO/IAEA và cũng là tác giả chính của ấn phẩmcho biết,nguồn phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp rất đa dạng vì các quá trình này có vi sinh vật tham gia. Do đó,các quốc gia cần sử dụng các phép đo lường chính xác để xác định và báo cáo lượng khí thải của quốc gia đó, đồng thời thực hiện các hành động để giảm lượng khí thải.

Đất là nguồn chứa cacbon lớn nhất, lưu trữ 45% tổng trữ lượng cacbon trên trái đất. Tuy nhiên, đất vẫn có khả năng lưu trữ nhiều cacbon hơn nữa thông qua quá trình cô lập cacbon - một phương pháp có tiềm năng để giảm lượng khí nhà kính trong khí quyển. Bằng cách thu nhận cacbon đioxit (CO2) từ khí quyển, thông qua quá trình quang hợp, thực vật chuyển đổi CO2 thành một dạng cacbon được lưu trữ trong đất sau khi thực vật phân hủy. Ông Zaman cho biết: “Hàm lượng cacbon cao hơn cũng sẽ làm cho đất chống chịu tốt hơn với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, cải thiện độ phì nhiêu, giúp tăng năng suất cây trồng và thu nhập của nông dân. Nếu chúng ta có thể tận dụng khả năng cô lập cacbon trong đất sẽ mang lại hiệu quả kép khi cùng lúc sẽ giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất, môi trường và đảm bảo an ninh lương thực”. Việc thực hành nông nghiệp thông minh ứng phó với biển đổi khí hậu bằng cách hấp thụ cacbon vào đất được tích cực triển khai tại nhiều quốc gia như: Argentina, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Kenya, Uruguay, Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Lào và Costa Rica.

Để đưa lý thuyết khoa học vào thực tiễn, IAEA và FAO đang nghiên cứu xây dựng các quy trình vận hành tiêu chuẩn từng bước để hướng dẫn các kỹ thuật viên đo lường khí nhà kính và thiết kế tài liệu quảng bá đến nông dân về thực hành nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu. Các ấn phẩm mới này sẽ được xuất bảnbằng một số ngôn ngữ.Ông Zaman cho biết: “Các kỹ thuật đồng vị giúp cung cấp dữ liệu và thông tin để quản lý đất đai tốt hơn. Khi đó, chi phí phân bón sẽ giảm và thu nhập của nông dân tăng lên. Đây là lợi ích cho cả những người nông dân và môi trường.”

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 1278

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)