Thứ ba, 29/06/2021 15:24 GMT+7

Nghiên cứu xây dựng quy trình phân tích một số chất ma túy nhóm ATS trong mẫu bị bắt giữ và mẫu nước tiểu, hướng tới ứng dụng cho các phòng thí nghiệm phân tích ma túy địa phương của Việt Nam

Ma túy là một trong những đại họa mà toàn nhân loại đang phải đối mặt và là vấn đề nhức nhối, ám ảnh không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Ma túy là yếu tố phá hoại hạnh phúc gia đình, làm sa sút kinh tế, suy giảm sức lao động xã hội, làm suy thoái giống nòi, là khởi nguồn và thúc đẩy các tệ nạn xã hội khác như: trộm cắp, cướp của, giết người,... đặc biệt là lây lan đại dịch HIV/AIDS và ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa dân tộc. Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa đã mang lại nhiều cơ hội cho sự hội nhập kinh tế, phát triển xã hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác phòng chống ma túy.

Tình trạng buôn bán và sử dụng trái phép các chất ma túy, đặc biệt là các chất ma túy tổng hợp nhóm ATS, đã và đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam dẫn đến ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, suy thoái nòi giống và đặc biệt ảnh hưởng xấu đến giới trẻ. Việt Nam lại nằm trên tuyến đường vận chuyển, sản xuất, buôn bán ma túy lớn của thế giới nên Việt Nam rất coi việc đấu tranh phòng, chống ma túy là nhiệm vụ của toàn xã hội. Do việc ngăn ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến ma túy không thể thiếu việc giám định các chất ma túy, phục vụ công tác điều tra nên việc nghiên cứu phát triển các phương pháp phân tích đơn giản, chi phí thấp nhằm hỗ trợ điều tra tại các phòng thí nghiệm phân tích ma túy tuyến địa phương là rất cần thiết. Thông thường, việc phân tích hàm lượng các chất ma túy trong các mẫu bị bắt giữ, máu và nước tiểu được thực hiện bằng phương pháp sắc ký khí kết nối detector khối phổ (GC-MS).

Nhằm xây dựng được quy trình giám định đồng thời bốn chất ma túy tổng hợp nhóm ATS thường sử dụng ở Việt Nam gồm: d-Methamphetamin (MA), 3,4methylendioxyamphetamin (MDA), 3,4-methylen dioxymethamphetamin (MDMA), 3,4Methylendioxy-N-ethylamphetamin (Mj DEA),  trên  cơ  sở  phương  pháp điện di mao quản sử dụng detector độ dẫn không tiếp xúc (CE-C4D) để có thể cho các kết quả phân  tích phù hợp với phương pháp hiện đang sử dụng (GC-MS) cũng như hướng tới áp dụng tại các phòng thí nghiệm phân tích ma túy địa phương, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Thị Ánh Hường, Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội đứng đầu đã tiến hành đã kiến nghị và được chấp thuận cho thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng quy trình phân tích một số chất ma túy nhóm ATS trong mẫu bị bắt giữ và mẫu nước tiểu, hướng tới ứng dụng cho các phòng thí nghiệm phân tích ma túy địa phương của Việt Nam”. 

Bằng việc tối ưu hóa điều kiện phân tích đồng thời bốn chất ma túy nhóm ATS này trong mẫu bị bắt giữ và mẫu nước tiểu bằng phương pháp điện di mao quản sử dụng detector độ dẫn không tiếp xúc (CE-C4D) và thực hiện nghiên cứu các thông số liên quan đến việc đánh giá phương pháp như xây dựng đường chuẩn, xác định giới hạn phát hiện (LOD), giới hạn định lượng (LOQ), độ lặp lại, độ chính xác,… Nhóm nghiên cứu đã phát triển thành công quy trình phân tích đồng thời bốn chất ma túy tổng hợp nhóm ATS là MA, MDA, MDMA và MDEA trong mẫu bị bắt giữ và mẫu nước tiểu bằng phương pháp CE-C4D.

Quy trình tối ưu thu được cho thấy phù hợp để áp dụng phân tích các đối tượng mẫu thực tế như mẫu bị bắt giữ và mẫu nước tiểu của đối tượng bị tình nghi sử dụng trái phép các chất ma túy nhóm ATS, góp phần vào việc điều tra các vụ việc liên quan đến buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy và điều trị cai nghiện ma túy.

Với lợi thế thiết bị nhỏ gọn, hoạt động đơn giản, chi phí thấp và quy trình phân tích tương đối đơn giản, phương pháp CE-C4D cho thấy tiềm năng có thể áp dụng tại các phòng thí nghiệm phân tích ma túy tuyến địa phương, các trung tâm y tế dự phòng và điều trị cai nghiện ma túy. 

Quy trình tối ưu này sẽ được áp dụng để xác định hàm lượng bốn chất phân tích trong các mẫu ma túy bị bắt giữ và mẫu nước tiểu của các đối tượng bị tình nghi có sử dụng ma túy do cơ quan chức năng (Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công An và/hoặc Đội giám định hóa học - Phòng kỹ thuật hình sự - CATP Hà Nội) cung cấp.

Một số kết quả phân tích sẽ được đánh giá song song với phương pháp truyền thống GC-MS do Viện Khoa học Hình sự thực hiện nhằm kiểm chứng độ tin cậy và chính xác của phương pháp CE-C4D. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14637/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1888

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)