Thứ ba, 01/06/2021 15:15 GMT+7

Xây dựng mô hình sản xuất giống invitro cây Sâm cau và trồng thử nghiệm tại Vườn Quốc gia Cát Bà

Chiều 29/5/2021, tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng diễn ra Hội nghị tư vấn, đánh giá, nghiệm thu dự án ứng dụng khoa học và công nghệ cấp thành phố: “Xây dựng mô hình sản xuất giống invitro cây Sâm cau (Curculigo orchioides Gaetn) và trồng thử nghiệm tại Vườn Quốc gia Cát Bà. Dự án do ông Vũ Hồng Vân, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Cát Bà làm chủ nhiệm, Công ty cổ phần Biopharm Hòa Bình, thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) là đơn vị chuyển giao kết quả nghiên cứu. Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị.

Dự án đã tiếp nhận thành công 02 quy trình công nghệ sản xuất giống invitro cây Sâm cau, gồm: Quy trình công nghệ sản xuất giống invitro cây Sâm cau (bao gồm cả sản xuất giống invitro và huấn luyện cây con trong Vườn ươm trước khi trồng) do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng (nay là Trung tâm Phát triển khoa học - công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng) tiếp nhận; Quy trình trồng và chăm sóc cây Sâm cau từ giống có nguồn gốc invitro dưới tán rừng và vùng đất trống do Vườn Quốc gia Cát Bà tiếp nhận.

Trên cơ sở đó, dự án đã xây dựng mô hình nhân giống và mô hình trồng thực nghiệm, kết quả như sau: Sản xuất được 35.000 cây trong phòng thí nghiệm, trong đó cung cấp được 29.600 cây đạt tiêu chuẩn đưa ra huấn luyện tại vườn ươm Vườn Quốc gia Cát Bà, cây phát triển khoẻ mạnh, đồng đều, cao 10 cm -12 cm, 2-3 lá, rễ khỏe. Sau 01 năm ươm, cây đẻ nhánh và ươm thêm được 1.580 cây. Số cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn là 29.000 cây với đặc điểm: cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại, chiều dài lá >10cm, 3-5 rễ, đường kính củ >3,5 mm; cây có phẩm chất tốt và trung bình chiếm tới 98,31%.

Mô hình trồng thực nghiệm thực hiện tại 02 địa điểm: dưới tán rừng và trên vùng đất trống tại Vườn Quốc gia Cát Bà. Với mô hình dưới tán rừng, nhóm nghiên cứu trồng và chăm sóc 15.000 cây con/0,3ha, tỉ lệ sống đạt 96,4%, cây có phẩm chất trung bình chiếm tỉ lệ cao nhất 55,7%, cây có phẩm chất tốt chiếm 27,3%, cây có phẩm chất xấu 17%. Sau 1 năm trồng, cây con sinh trưởng phát triển trung bình, kích thước củ dài 3-4 cm, đường kính 1cm, 8-9 rễ phụ; trọng lượng củ bình quân 18,9 g/củ; do thu hoạch vào mùa phát triển lá nên cây sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh phá hại.

Với mô hình thực nghiệm trên vùng đất trống, đã trồng và chăm sóc 10.000 cây con/0,1ha; tỉ lệ sống đạt 98,8%, cây có phẩm chất tốt chiếm tỉ lệ cao nhất 68,8%, cây có phẩm chất trung bình chiếm 22,7%, cây có phẩm chất xấu 8,5%. Sau 1 năm trồng, cây con sinh trưởng phát triển tốt, kích thước củ dài 6-7cm, đường kính 1,5cm, 16-18 rễ phụ, trọng lượng củ bình quân 27,5g/củ; do thu hoạch vào mùa phát triển lá nên cây sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh.

Từ kết quả thực nghiệm, Ban chủ nhiệm dự án đã đề xuất được 02 quy trình: Quy trình công nghệ sản xuất giống invitro cây Sâm cau tại Hải Phòng (gồm các bước: Che mưa; che sương muối; cắt lá, tưới phân; phòng trừ sâu bệnh hại và chăm sóc cây con trước khi đem trồng) và Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Sâm cau từ giống có nguồn gốc invitro dưới tán rừng và trên đất trống tại Vườn Quốc gia Cát Bà (gồm các bước: Lựa chọn rừng trồng/địa điểm trồng; lầm đất trồng; đào hố trồng). Đồng thời, trong khuôn khổ triển khai, dự án đã đào tạo được 30 cán bộ kỹ thuật.

Với những kết quả đạt được, dự án được Hội đồng Khoa học và Công nghệ đánh giá xuất sắc, có tính mới,  tính sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế.
 

Cây Sâm cau tại vườn Quốc gia Cát Bà.
 

Người dân thu hoạch Sâm cau trồng trên vùng đất trống tại Vườn Quốc gia Cát Bà.

 

Nguồn: Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng

Lượt xem: 3789

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)