Thứ ba, 23/06/2020 08:51 GMT+7

Thông báo kêu gọi tuyển chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư năm 2021 thuộc Chương trình Đồng tài trợ cho Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Đông Nam Á - Châu Âu (SEA-EU JFS)

Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo tuyển chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư thuộc Chương trình Đồng tài trợ cho Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Đông Nam Á - Châu Âu (SEA-EU JFS) trong đợt kêu gọi chung lần thứ 5 và thứ 6, cụ thể như sau:

1. Lĩnh vực hợp tác:

1.1. Đợt kêu gọi lần thứ 5 về khoa học và công nghệ, gồm 02 lĩnh vực:

a. Bệnh truyền nhiễm (bao gồm cả Covid-19): Ưu tiên xem xét các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu, ứng dụng về:

- Nghiên cứu các khía cạnh dịch tễ học của phòng chống bệnh truyền nhiễm (bệnh hô hấp, viêm não, sốt xuất huyết, lao,…);

- Phát triển công nghệ chẩn đoán mới và sàng lọc nhanh các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi (hội chứng suy hô hấp cấp, SARS-CoV-2, cúm, ho gà,…);

- Nghiên cứu và phát triển các chế phẩm vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị các tác nhân gây bệnh bệnh truyền nhiễm (hội chứng suy hô hấp cấp, SARS-CoV-2, cúm, ho gà, …

b. Công nghệ nano: Ưu tiên xem xét các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu, ứng dụng về:

- Nghiên cứu các chế phẩm nano ứng dụng cho nông nghiệp công nghệ cao, chất diệt khuẩn và các thực phẩm chức năng;

- Công nghệ nano ứng dụng trong bào chế các loại dược phẩm;

- Vật liệu nano tiên tiến ứng dụng trong năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

1.2. Đợt kêu gọi lần thứ 6 về đổi mới sáng tạo, gồm 02 lĩnh vực:

a. Y tế số (bao gồm cả bệnh truyền nhiễm): Ưu tiên xem xét các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu, ứng dụng về:

- Ứng dụng công nghệ thông tin để dự đoán xu hướng biến đổi của tác nhân gây bệnh truyền nhiễm (xác định nguồn gốc, xu hướng biến đổi thông qua hệ gen vi sinh vật,…);

- Nghiên cứu phát triển thiết bị đo lường chỉ số sinh tồn cơ thể hướng tới ứng dụng y tế từ xa;

- Nghiên cứu xây dựng các công cụ cảnh báo, nhận dạng và phân luồng bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI);

- Xây dựng các công cụ chuẩn đoán bệnh thông qua nhận dạng hình ảnh sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

b. Kinh tế sinh học (bao gồm cả ứng dụng công nghệ thông tin): Ưu tiên xem xét các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu, ứng dụng về:

- Công nghệ sinh học:

+ Phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm từ sinh khối trên quy mô công nghiệp; Phát triển năng lượng trên từ các nguồn sinh khối;

+ Phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng từ các nguồn sinh khối (phế thải nông nghiệp và lâm nghiệp, phụ phế phẩm từ chế biến thủy sản và chăn nuôi...);

+ Nghiên cứu sản xuất nhựa phân hủy sinh học và các sản phẩm từ nhựa sinh học;

+ Nghiên cứu ứng dụng các enzyme và protein tham gia quá trình chuyển hóa các nguồn sinh khối từ nguồn thiên nhiên Việt Nam. 

- Công nghệ nông nghiệp:

+ Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông minh trong trồng trọt và canh tác cây trồng nông lâm nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản;

+ Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong bảo quản, chế biến nông sản (cây trồng, vật nuôi...) thủy sản, lâm sản, chế biến và bảo quản thức ăn cho người, gia súc và thủy sản;

+ Ứng dụng công nghệ thông minh trong dự báo, phòng trừ dịch bệnh và thiên tai tác động đến sản xuất nông nghiệp.

- Các vấn đề về an ninh lương thực toàn cầu:

+ Sản xuất nông nghiệp bền vững;

+ Sản xuất thực phẩm an toàn và đảm bảo sức khỏe.

2. Yêu cầu chung:

- Lĩnh vực nghiên cứu: các nhiệm vụ tham gia tuyển chọn phải thuộc một trong các lĩnh vực nghiên cứu nêu trên.

- Đối tác tham gia thực hiện: Mỗi nhiệm vụ cần có sự tham gia thực hiện của ít nhất 03 đối tác, trong đó có 02 đối tác Châu Âu và 01 đối tác Đông Nam Á hoặc ngược lại.

Về phía Việt Nam, đối tượng tham gia tuyển chọn bao gồm các tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và tổ chức, các nhân khác có liên quan được quy định bởi pháp luật Việt Nam. Đối với những nhiệm vụ tham gia đợt kêu gọi lần thứ 6 về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế số và kinh tế sinh học, ưu tiên các nhiệm vụ có sự tham gia của doanh nghiệp.

- Thời gian thực hiện nhiệm vụ: tối đa 36 tháng.

- Kinh phí: Kinh phí thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu chung do các nước tham gia Chương trình đồng tài trợ.

Về phía Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ dưới hình thức nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 10/2019/TT-BKHCN ngày 29/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư.

3. Yêu cầu cụ thể đối với nhiệm vụ:

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia theo các quy định hiện hành, cũng như đáp ứng các yêu cầu tại Thông tư số 10/2019/TT-BKHCN ngày 29/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư.

Ưu tiên những nhiệm vụ có tính đột phá, những công nghệ tiên tiến; tạo ra các sản phẩm cụ thể có hàm lượng khoa học cao; Hợp tác, trao đổi nguồn vật liệu nghiên cứu, chuyển giao các công nghệ tiên tiến; hợp tác xuất bản các ấn phẩm khoa học, công bố khoa học; hợp tác nâng cao năng lực thông qua đào tạo, tập huấn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

4. Yêu cầu về sản phẩm của nhiệm vụ:

Các sản phẩm của nhiệm vụ Nghị định thư phải là các sản phẩm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới. Các sản phẩm của nhiệm vụ cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia với các sản phẩm dạng I, dạng II và dạng III:

- Sản phẩm dạng I: phải là những sản phẩm tiên tiến, có chỉ tiêu kỹ thuật rõ ràng, có hàm lượng khoa học cao, tối thiểu bằng hoặc cao hơn sản phẩm hiện có trên thị trường; ưu tiên các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có thể đăng ký được các sản phẩm về bảo hộ/sở hữu trí tuệ/quyền tác giả.

- Sản phẩm dạng II: các quy trình công nghệ tiên tiến, ưu tiên các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sản phẩm là các công nghệ hoặc qui trình công nghệ có thể đăng ký được về bảo hộ/sở hữu trí tuệ/quyền tác giả.

  - Sản phẩm dạng III gồm ít nhất 01 - 02 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế (ưu tiên các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có thể đăng được các bài báo quốc tế trong danh mục ISI), 02 bài báo trên các tạp chí có uy tín trong nước; góp phần đào tạo được các tiến sĩ, thạc sĩ, và kỹ sư (theo hướng luận văn tốt nghiệp thực hiện theo các nội dung của nhiệm vụ Nghị định thư).

5. Hồ sơ tuyển chọn:

Hồ sơ tham gia tuyển chọn phải được nộp theo quy định chung của Chương trình và theo hướng dẫn của cơ quan tham gia đồng tài trợ của mỗi bên, trong đó:

- Về phía Chương trình: Hồ sơ nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung của các đối tác tham gia phải nộp qua hệ thống tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của Chương trình tại: https://ptoutline.eu/app/jfs20in

- Về phía Việt Nam: Yêu cầu về hồ sơ tham gia tuyển chọn được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 11 và Điều 12 Thông tư số 10/2019/TT-BKHCN ngày 29/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư.

Hồ sơ điện tử nộp trực tuyến theo địa chỉ: http://stm.most.gov.vn và  bản gốc nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện về Bộ Khoa học và Công nghệ, 113 Trần Duy Hưng, Hà Nội.

          Thời hạn nộp hồ sơ: trước 17:00 ngày 15/10/2020 đối với hồ sơ tham gia tuyển chọn thuộc đợt kêu gọi lần thứ 5 về khoa học và công nghệ; trước 17:00 ngày 16/11/2020 đối với hồ sơ tham gia tuyển chọn thuộc đợt kêu gọi lần thứ 6 về đổi mới sáng tạo.

          6. Đánh giá và lựa chọn:

Kết thúc thời gian kêu gọi chung, các hồ sơ tham gia tuyển chọn sẽ được kiểm tra về tính hợp lệ. Những hồ sơ được nộp theo quy định chung của Chương trình và của phía Việt Nam, đồng thời được đánh giá là hợp lệ mới được đưa ra  tuyển chọn theo quy định.  

Quy trình xét duyệt được thực hiện theo quy định của Chương trình và của cơ quan tham gia đồng tài trợ của mỗi bên.

Lưu ý: Thông tin chi tiết về lĩnh vực nghiên cứu, điều kiện tham gia và các nội dung khác đề nghị xem tại: https://www.sea-eu-jfs.eu.

Thông tin liên hệ:

    - Phía Việt Nam:

Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST):     

Chị Trịnh Quỳnh Trang,

Chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế

Tel: 0985896385;

E-mail: tqtrang@most.gov.vn

- Ban Thư ký Chương trình:

          Indonesian Science Fund (DIPI):

Dr. Mrs. Finarya Legoh

Senior Program Officer

finarya.legoh@dipi.id

+62 816 880056

Mr. Adam Bakthiar

Program Officer

adam.bakhtiar@dipi.id

+62 852 11342556.


Tệp đính kèm:

- Tài liệu liên quan

 

Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế

Lượt xem: 5030

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)