Thứ sáu, 06/04/2018 14:42 GMT+7

TS Nguyễn Thị Hiệp: Tác giả của giải pháp sơ cứu cho người sống xa bệnh viện

Loại keo "thông minh" do TS Nguyễn Thị Hiệp nghiên cứu có thể dùng để cầm máu, diệt khuẩn và giảm thời gian tái tạo mô, mang tới giải pháp tự tạm chữa vết thương hữu hiệu cho những người sống xa bệnh viện.

Giản dị, chân thành và luôn tươi cười là ấn tượng sâu sắc với bất cứ ai từng gặp nhà khoa học trẻ TS Nguyễn Thị Hiệp - giảng viên bộ môn kỹ thuật y sinh trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), người vừa vinh dự được Quỹ L’Oréal và UNESCO trao Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc dưới 40 tuổi đến từ nhiều quốc gia.
Bộ dụng cụ cứu thương tại gia thông minh

TS Nguyễn Thị Hiệp là nhà khoa học nữ thứ hai của Việt Nam được lựa chọn trong suốt 20 năm kể từ khi có giải thưởng này, nhờ công trình nghiên cứu loại keo có thể dùng để chữa các loại vết thương khác nhau, diệt khuẩn và giảm thời gian tái tạo mô được xem là giải pháp sơ cứu hữu hiệu cho những người sống xa bệnh viện.

Đây là một loại keo thông minh được hình thành chủ yếu bằng liên kết chéo axit hyaluronic (axit này có đóng góp đáng kể cho quá trình gia tăng và di chuyển tế bào) và chitosan (hữu ích trong tái tạo mô), đồng thời có thể có thêm các thành phần khác như bạc và hạt nano curcumin (bột nghệ) cho các mục đích ứng dụng cụ thể.

Nhóm nghiên cứu của TS. Hiệp hiện đang thí nghiệm kiểm tra keo để tối đa hóa sự an toàn và hiệu quả của vật liệu nhằm tạo được một sản phẩm có thể đắp ngay lập tức lên tất cả các loại vết thương sẽ tạo thành một lớp màng để ngăn chặn chảy máu, hấp thụ chất lỏng từ vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng từ vi sinh vật.
 

TS Nguyễn Thị Hiệp. Ảnh: Đức Toàn
 

TS Hiệp cho biết, hiện với màng keo sinh học bảo vệ cho vết thương da được chị dành thời gian nghiên cứu suốt 10 năm qua đã cho những kết quả khả quan, đồng thời giúp chị có được chuyên môn sâu về lĩnh vực vật liệu y sinh, tùy từng loại vết thương nông – sâu khác nhau để lựa chọn màng cho phù hợp để vừa có tác dụng kích thích tái tạo da cho cơ thể và kháng khuẩn. Khi đó có thể phải dùng tới 2-3 màng. Một loại kích thích cho phát triển mô, da, loại thì ngăn ngừa vi khuẩn. “Hiện chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu loại màng dạng này, kết quả là rất khả thi nhưng khó khăn về kinh phí đầu tư. Chính vì thế hy vọng, nhà nước thấy được tiềm năng của hướng nghiên cứu mới này để tài trợ”.

Với việc nghiên cứu thành công loại keo màng có thể dùng “cấp cứu” ngăn chảy máu, những người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể tự tạm chữa vết thương trong trường hợp họ chưa đến bệnh viện kịp thời. Nếu không may bị thương, họ có thể dùng keo này để xử lý trước mắt, tránh nguy cơ máu chảy ồ ạt.

Về giá cả, tùy theo vết thương lớn hay nhỏ, song tính toán ban đầu với loại keo dùng cho gia đình thì khoảng 50 nghìn đồng/lần dùng, loại cho chiến trường hay cho tàu thuyền thì phải hơn 1 triệu đồng vì nhiều vết thương to.

Không chỉ nghiên cứu ra các loại keo sinh học, chị cùng đồng nghiệp còn nghiên ra bộ dụng cụ khâu vết thương không dùng kim, có thể sử dụng dễ dàng để thực hiện sơ cứu hiệu quả hơn. Các vật liệu sinh học và thiết bị y tế thông minh này có thể giúp mọi người chăm sóc sức khỏe tại nhà.

Theo TS Nguyễn Thị Hiệp, điều này sẽ giúp giảm nhiều áp lực cho các dịch vụ chăm sóc y tế tại các thành phố lớn, nơi có dân số đông do di cư từ nông thôn ra thành thị.

Nuôi nghiên cứu bằng lương và tiền từ các giải thưởng

Khi được hỏi điều khó khăn lớn nhất mà chị phải trải qua trong quá trình nghiên cứu là gì, chị đã trả lời đó là kinh phí.

Chị chia sẻ, để theo đuổi các nghiên cứu của mình, chị đã dành dụm cả tiền lương, tiền đăng bài báo quốc tế do nhà trường hỗ trợ cùng các nguồn tài trợ từ nước ngoài và tiền giải thưởng cũng được nhà khoa học trẻ này “huy động” để “nuôi” thí nghiệm, đầu tư cho nhóm nghiên cứu.
 

TS Nguyễn Thị Hiệp (giữa) hướng dẫn các sinh viên trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Đức Toàn
 

Ở tuổi 37, Tiến sĩ Hiệp nhìn như trẻ hơn so với tuổi song nhìn bảng thành tích thực sự đáng ngưỡng mộ. Chị đã có tới 41 bài báo công bố quốc tế; gần 60 bài báo khoa học trong các hội nghị Quốc tế; 3 bằng sáng chế và 1 giải pháp hữu ích cùng nhiều bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước. Từ những bài báo đó, chị cũng “sưu tập” cho mình một danh sách dài các loại giải thưởng để rồi lại có kinh phí quay lại phục vụ cho nghiên cứu.

Hiệp tâm sự, với việc gì cũng vậy không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi mà thực tế khó khăn luôn chồng chất. Nhưng bài học mà nữ tiến sĩ này thấm thía đó chính là sự quyết tâm. Chị bảo: “Bất cứ làm công việc gì đôi khi gặp khó khăn sẽ nản nhưng với nghiên cứu khoa học nếu nản sẽ thất bại. Để nghiên cứu khoa học thành công chắc chắn phải có đam mê và luôn cố gắng vượt qua khó khăn”.

Quyết tâm ấy vẫn đeo bám nhà khoa học trẻ khi con đường nghiên cứu trước mắt đã lường trước được nhiều khó khăn bởi cần thêm các nghiên cứu sâu hơn về mặt sinh học, và các thí nghiệm trên động vật cũng như trên bệnh nhân. Ngoài ra, “Tôi rất mong nhà nước, các đơn vị cấp kinh phí quan tâm các nghiên cứu để giúp tôi có thêm các nghiên cứu sâu hơn về mặt sinh học, và các thí nghiệm trên động vật cũng như trên bệnh nhân để đưa sản phẩm ra thị trường cho người Việt” – Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ.

Tại Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, hiện chị đang cùng với Trưởng khoa và các đồng nghiệp, xây dựng định hướng về kỹ thuật tạo mô và phục hồi (TERM) bằng cách thiết kế các khóa học mới, giảng dạy, tư vấn, xây dựng phòng thí nghiệm và tham gia tổ chức các hội nghị quốc tế, qua đó đã góp phần nâng cao uy tín của chương trình Kỹ thuật Y sinh, đứng đầu tại Việt Nam và đứng thứ hai trong số tất cả các chương trình học của Mạng lưới các trường đại học hàng đầu khu vực ASEAN.

Từng đánh giá về đề tài: “Biến tính Col-I/Fn trên bề mặt titanium bằng phương pháp điện hóa: tính chất lớp phủ và tính tương hợp sinh học” do Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp thực hiện, GS - VS Châu Văn Minh - Chủ tịch hội đồng khoa học L’Oreal –UNESCO tại Việt Nam khẳng định đây là đề tài có sự kết hợp đa ngành, có nhiều điểm mới phục vụ cho việc công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước và có ý nghĩa khoa học và tính ứng dụng thực tiễn rất cao.

Một số giải thưởng của TS Nguyễn Thị Hiệp:

1- Giải nhất: Phát minh Khoa học Xuất sắc nhất năm về Nghiên cứu và Phát triển các Thiết bị phục vụ cho Phòng Nuôi cấy Tế bào, ĐH Soonchunhyang-2011.
2- Giải thưởng cho nhà khoa học nữ (L’Oreal for Women in Science) về Biến tính bề mặt titanium bằng Col-I/Fn dùng phương pháp điện di: Khảo sát tính chất và hợp tính sinh học.L’Oreal Vietnam-2016.

3- Giải nhất Giải thưởng ASEAN–US-2017 về Giải pháp giảm áp lực lên các thành phố đô thị hóa nhanh- mảng Sức khỏe cộng đồng, ASEAN-2017.
4- Giải thưởng tài năng trẻ thế giới về Giải pháp sơ cứu cho người sống xa bệnh viện, L’Oreal-UNESCO-Pháp-2018.

Liên kết nguồn tin: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/ts-nguyen-thi-hiep-tac-gia-cua-giai-phap-so-cuu-cho-nguoi-song-xa-benh-vien/20180405082752187p1c160.htm

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 5437

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)