Thứ hai, 29/01/2018 18:15 GMT+7

Thay đổi phương thức kinh doanh

Để bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, doanh nghiệp (DN) cần thay đổi phương thức quản trị, áp dụng các phần mềm, ứng dụng kinh tế số trong quy trình quản lý. DN phải tạo giá trị gia tăng bằng chất lượng chứ không phải cạnh tranh bằng tài chính và gia công.

Xưởng thực hành tự động hóa bằng robot tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh

 

Tác động bao trùm

Thời gian qua, khái niệm "CMCN 4.0" được nhắc đến nhiều trên truyền thông và mạng xã hội. Cùng với đó là những hứa hẹn về cuộc "đổi đời" của các DN nếu đón được làn sóng này. Bên cạnh những cơ hội mới, CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức. PGS -TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam - phân tích: CMCN 4.0 sẽ tác động và làm thay đổi hầu hết các lĩnh vực tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là lĩnh vực tự động hóa sẽ khiến nhiều công nhân lao động dư thừa. 

Trong bối cảnh CMCN 4.0, tác động của công nghệ số đang lan tỏa đến từng DN, người dân, Quốc hội đã ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); Chính phủ trên tinh thần kiến tạo phát triển và hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và "bao trùm": Thuận lợi, bình đẳng, tin cậy; thân thiện với các DN, nhất là DNNVV; khuyến khích tự do kinh doanh, sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư; không chỉ làm cho chi phí giao dịch thấp mà còn có rủi ro thấp; các nhà đầu tư, DN không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh. 

Về khả năng nhập cuộc với CMCN 4.0, PGS -TS. Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam hiện có nhận thức, ý chí cao về nền tảng công nghệ thông tin, số lượng người sử dụng internet, smart phone tăng mạnh, các DN có tham vọng và tinh thần khởi nghiệp cao… Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những điểm trừ là mức độ sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0 thấp hơn ASEAN 5 điểm, nguồn nhân lực chất lượng và hạ tầng còn yếu, có tới 66% DN nghĩ mình không thể bắt kịp CMCN 4.0…

"Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hơn về thể chế, phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN bằng việc cải thiện hạ tầng thông minh, cải cách giáo dục, phát triển nhân lực số… Về phía các DN, cần biết "mượn sức" để mạnh hơn và dễ thắng hơn" - PGS -TS. Trần Đình Thiên đề xuất. 

Thay đổi để nhập cuộc

Không thể phủ nhận hiện vẫn còn rất nhiều DN, nhất là các DNNVV đang mơ hồ chưa biết phải nhập cuộc với CMCN 4.0 thế nào, nhưng thời gian qua cũng có không ít DN ở một số ngành nghề đang có bước đi đón đầu cuộc cách mạng này. 

Khoảng 7 năm trước, Tập đoàn FPT đã chọn công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo... của tương lai làm "mũi dùi" xuyên thủng lớp "áo giáp" trì trệ đang bó kín quanh mình. Đến nay, riêng trong lĩnh vực các giải pháp IoT, FPT đủ khả năng cạnh tranh trực tiếp với các cường quốc về công nghệ thông tin. Hằng năm, doanh thu từ công nghệ "lõi" của FPT đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 70 - 100% và mục tiêu "cán mốc" 1 tỷ USD/năm hoàn toàn trong tầm tay. Trong lĩnh vực giáo dục, ông Phạm Minh Tuấn - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Topica Edtech Group - cho rằng, nhiều công việc sẽ được thay thế bởi công nghệ. Nhưng giáo viên giỏi sẽ vẫn trụ lại, thậm chí có cơ hội ngày càng rộng mở. Theo một thống kê mới đây, có tới 73% lãnh đạo trường đại học ở Mỹ cho rằng, học trực tuyến sẽ hiệu quả hơn. Và hiện có 3 xu hướng mới trong lĩnh vực giáo dục là thực tế ảo, đào tạo trực tiếp và trí tuệ nhân tạo. 

TS. Nguyễn Thiên Tuế - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (IUH) - chia sẻ, để bắt kịp xu thế mới, nhà trường chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo "những gì thị trường sẽ cần". Theo đó, trong 2 năm 2016 - 2017, nhà trường đã làm việc với 577 DN và ký kết hợp tác với 278 DN như: Nike, Pepsi, KFC, Sam Sung, Mitsubishi… nhằm thảo luận tìm kiếm học bổng, cơ sở thực tập cho sinh viên, tiếp nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ngoài việc đổi mới chương trình đào tạo, nhà trường còn trang bị máy móc, thiết bị công nghệ cao, mới nhất của thế giới áp dụng thực hành cho sinh viên. Về nhân lực, nhà trường cử giảng viên tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài để cập nhật công nghệ mới để giảng dạy cho sinh viên. 

Trên các lĩnh vực khác như dệt may, da giày, cơ khí, thậm chí là ngành điện… các DN cũng đã có sự bứt phá ngoạn mục. Đơn cử Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đã sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến, đa dạng hóa hình thức thanh toán tiền điện, khuyến khích khách hàng thanh toán qua các kênh giao dịch điện tử, không dùng tiền mặt như SMS/Mobile Banking, Internet banking, ví điện tử. 

DN thương mại, dịch vụ hay bất động sản cũng có những bước đi thận trọng nhưng phù hợp với thị trường. Ông Đào Ngọc Thanh - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (chủ đầu tư dự án Ecopark) - chia sẻ: Trong cuộc CMCN 4.0, vấn đề tăng trưởng của DN là cốt lõi vì vậy, DN cần tìm ra cái riêng, quan tâm đến khách hàng, chú ý đến nhận thức về môi trường xung quanh, đặc biệt là lĩnh vực marketing.

Đối với mỗi DN, để không bị tụt hậu khi kinh doanh trong một thế giới đang thay đổi như hiện nay, cần có tư duy toàn cầu, khai thác thế mạnh của địa phương, củng cố thị trường nội địa, chú ý đến các công nghệ xanh, tiết kiệm… Riêng với những DN chưa có khả năng tạo được công nghệ hiện đại/quy mô trong sản xuất, cần áp dụng công nghệ quản lý để tiết kiệm chi phí… giúp nâng cao sức cạnh tranh./.

Liên kết nguồn tin:

http://baocongthuong.com.vn/thay-doi-phuong-thuc-kinh-doanh.html

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 4042

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)