Thứ sáu, 13/10/2017 16:12 GMT+7

Khảo nghiệm và phát triển giống lúa ngắn ngày, thích nghi nhiệt độ cao, chống chịu sâu bệnh và chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu xuất khẩu

Đồng Bằng Sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của cả nước. Công tác chọn tạo giống lúa chống chịu nhiệt độ cao sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong việc giảm nhẹ thiệt hại do biến đổi khí hậu gây nên. Để đối phó với sự gia tăng nhiệt hàng năm, đã có nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới cải thiện tính chống chịu nhiệt cao của các giống lúa nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Các giống lúa chống chịu nhiệt độ cao được sử dụng như nguồn gen trong các chương trình lai tạo hiện nay gồm giống lúa Nagina 22 (N22) của Ấn độ, giống F473 của Colombia, hay kiểu gen trổ bông vào sáng sớm của loài Oryza ghaberrima. Ở Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu phát triển giống lúa chịu nhiệt cao. Các chương trình lai tạo, cải thiện giống lúa chống chịu nhiệt độ cao chỉ mới được bắt đầu từ năm 2010. Một số dòng tiền triển vọng mang gen chống chịu đang được tiếp tục khảo nghiệm.

Đồng Tháp là một trong các tỉnh trọng điểm của sản xuất lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải hứng chịu những đợt nắng nóng kỷ lục những năm gần đây. Đặc biệt các huyện đầu nguồn sông tiền và sông hậu, dọc theo biên giới Camphuchia, nhiệt độ thường cao hơn 1-2oC so với các vùng khác. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống lúa, đặc biệt là giống lúa chống chịu nhiệt độ cao trên địa bàn tỉnh là hướng nghiên cứu đón đầu nhằm giảm nhẹ thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, ổn định về sản xuất lúa, tăng thu nhập cho nông dân trong tỉnh, ổn định phát triển kinh tế địa phương, cũng như góp phần vào bảo đảm an ninh lương thực của đất nước và cho xuất khẩu. Do đó, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện đề tài “Khảo nghiệm và phát triển giống lúa ngắn ngày, thích nghi nhiệt độ cao, chống chịu sâu bệnh và chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu xuất khẩu”.

Mục tiêu của đề tài là: chọn 1-3 giống lúa ngắn ngày, thích nghi nhiệt độ cao, chống chịu sâu bệnh và chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; phát triển các giống được chọn tạo trên các vùng sinh thái tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp; giảm chi phí đầu vào trong sản xuất lúa.

Sau 3 năm thực hiện đề tài, với 52 giống lúa cao sản, nhóm nghiên cứu thực hiện thanh lọc kiểu gen xác định được 35-48 dòng giống có gen chống chịu nhiệt độ cao; thanh lọc kiểu hình chọn được 21 giống có khả năng chống chịu nhiệt độ cao trong điều kiện nhân tạo (nhà lưới phủ nylone trắng điều chỉnh nhiệt độ 35-370C), trong đó có 2 giống chống chịu cao là OM 124 và OM 300; thanh lọc nhân tạo rầy nâu và đạo ôn xác định được 7 giống kháng tốt với rầy nâu 15 giống kháng tốt với đạo ôn.

Với kết quả khảo nghiệm từ 02 vụ đông xuân và hè thu, nhóm nghiên cứu đã xác định được 6 giống lúa triển vọng là OM 178, OM 124, OM 221, OM 189, OM 9582 và OM 225. Hậu kiểm 6 giống lúa này, nhóm nghiên cứu đã chọn được 02 giống chống chịu nhiệt độ cao thích nghi rộng và cho năng suất cao, ổn định trong các điều kiện canh tác khác nhau là OM 221 và OM 124.

Kết quả nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn trong công tác khảo nghiệm và phát triển các giống lúa ngắn ngày thích nghi nhiệt độ cao, chống chịu sâu bệnh và chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ở Đồng Tháp. Đề tài đã tuyển chọn được 02 giống lúa chịu nóng, kháng sâu bệnh và có phẩm chất gạo tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hoàn thiện quy trình thâm canh cho hai giống lúa mới được tuyển chọn. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu có 320 nông dân và cán bộ kỹ thuật được tập huấn kỹ thuật về quy trình sản xuất giống lúa, kiểm định, kiểm nghiệm, kỹ thuật canh tác và phòng trừ dịch hại, từ đó đem lại những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm hướng đến nền nông nghiệp an toàn, bền vững, hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Nguồn: Sở KH&CN Đồng Tháp

Lượt xem: 4387

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)