Tham dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo, chuyên viên Vụ Phát triển KH&CN địa phương và một số đơn vị thuộc Bộ; đại diện Lãnh đạo của 14 Sở KH&CN các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Lãnh đạo một số viện nghiên cứu, trường đại học gồm: Viện Nghiên cứu và phát triển Vùng, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện Chăn nuôi, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp, Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Viện Phát triển Công nghệ và Giáo dục- Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam; đại diện một số doanh nghiệp trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Báo cáo đề dẫn, ông Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN đã đề cập và làm rõ ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Văn Tùng tại Thông báo kết luận số 4833/TB-BKHCN ngày 22/11/2016 về xây dựng, đề xuất và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia có tính chất liên tỉnh, liên vùng nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và các sản phẩm có lợi thế của Vùng.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tham gia ý kiến về các đề xuất nhiệm vụ KH&CN của các viện nghiên cứu, trường đại học. Các ý kiến chủ yếu xoay quanh việc tập trung phát triển các sản phẩm lợi thế nhưng có tính chất liên tỉnh như: phát triển thâm canh cây chè, giống cây ôn đới có triển vọng, cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp. Đối với chăn nuôi đặc biệt chú trọng đến phát triển chế biến thức ăn gia súc (quan tâm đến thức ăn nâng cao chất lượng vật nuôi như thêm thành phần thảo mộc vào thức ăn gia súc...) và phát triển vật nuôi bản địa như bò Mông, trâu và dê sữa. Đối với việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp thì tập trung vào vấn đề nhân giống cây trồng, vật nuôi, hoa, rau... Đối với cây dược liệu, cần phát triển theo chuỗi giá trị từ khâu giống đến khâu sơ, chế biến ra thành phẩm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc cũng như quản lý các sản phẩm là rất quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay... Nội dung trao đổi, tọa đàm tập trung theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc tổ chức, triển khai, thực hiện nhiệm vụ KH&CN nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và các sản phẩm có lợi thế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc và khẳng định rõ cần có sự tham gia của các Doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất để phát triển chuỗi sản phẩm có tính chất liên tỉnh liên vùng thì mới thực sự mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.