Ngày 17/01/2011, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhận được Đơn của Công ty TNHH Nam Việt và Liên danh (VIPO) đại diện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của Công ty DBA Ampharco USA yêu cầu xử lý hành vi sản xuất, buôn bán sản phẩm thuốc mang nhãn hiệu “OMERAZ20” của Công ty BT, có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “MEPRAZ”, “MEPRAZ và Hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam cho DBA Ampharco USA theo các GCN ĐKNH số 92317, số 92277 (cấp cùng ngày 29/11/2007) và số 92758 (cấp ngày 07/12/2007).
Đại diện sở hữu công nghiệp của Công ty DBA Ampharco khẳng định: các nhãn hiệu “MEPRAZ”, “MEPRAZ&Hình nêu trên đã được Chủ sở hữu sử dụng tại thị trường Việt Nam cho sản phẩm thuốc chữa dạ dày từ năm 2004, còn Công ty BOSTON Việt Nam sử dụng dấu hiệu “OMERAZ20 và hình” từ tháng 8/2010, tuy nhiên dấu hiệu này có cách trình bày trên bao gói, giấy kẹp vỉ thuốc là tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu “MEPRAZ”, “MEPRAZ và Hình” của Công ty DBA Ampharco.
Trên cơ sở Đơn đề nghị xử lý cùng các chứng cứ kèm theo đơn, Thanh tra Bộ đã có văn bản yêu cầu Công ty BT cung cấp thông tin và giải trình về việc sử dụng các dấu hiệu này trên sản phẩm thuốc dạ dày do Công ty sản xuất, cung cấp trên thị trường. Theo các văn bản giải trình, Công ty BT cho rằng dấu hiệu OMERA đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 157059 (cấp ngày 21/01/2011 có hiệu lực đến ngày 30/9/2018), do đó việc Công ty sử dụng nhãn hiệu này là đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên Công ty BT có thừa nhận việc sử dụng thiết kế, màu sẳc, bao bì hộp thuốc chữa dạ dày của Công ty có điểm tương tự với cách trình bày, thiết kế màu sắc của bao bì thuốc MEPRAZ của Công ty DBA Ampharco và cam kết ngưng sản xuất đồng thời tiến hành thu hồi những sản phẩm xâm phạm quyền trên thị trường.
Ngày 22/4/2011, được sự chứng kiến của Thanh tra Bộ KH&CN, đại diện Công ty DBA Ampharco và Công ty BT đã có buổi làm việc để đề xuất biện pháp giải quyết việc vụ việc, theo đó Công ty BT đã cam kết không tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả (không sản xuất, tiến hành thu hồi sản phẩm vi phạm). Trên cơ sở đó, Công ty Ampharco có Đơn đề nghị Thanh tra Bộ KH&CN không tiến hành thanh tra xử lý hành vi vi phạm của Công ty BT do hai bên đã đạt được thoả thuận về biện pháp giải quyết vụ việc.
|
Vấn đề: |
|
Xác định dấu hiệu “OMERAZ20” “Hình” trên hộp thuốc của Công ty BT đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “MEPRAZ”, “MEPRAZ&Hình” của Công ty DBA Ampharco USA như thế nào?
Trong khi Thanh tra Bộ KH&CN đang xem xét giải quyết vụ việc, Công ty DBA Ampharco USA có đơn xin rút yêu cầu xử lý, do hai bên đã đạt được thoả thuận tự giải quyết. Vậy vụ việc tiếp theo sẽ được xử lý sẽ được xử lý như thế nào?
|
Kết luận và quyết định xử lý: |
|
Xem xét các dấu hiệu gắn với sản phẩm thuốc mang nhãn “OMERAZ20” của Công ty BT, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ thấy rằng:
- Dấu hiệu chữ “O”và “20 trong tổng thể nhãn hiệu “OMERAZ20 và hình” đã được trình bày mờ đi để làm nổi bật chữ “MERAZ” trên vỏ hộp thuốc, những chữ này được trình bày bằng kiểu chữ in hoa, in thường, có màu đỏ, bên cạnh đó phần hình (hình dạ dày) cũng được trình bày tương tự với nhãn hiệu “Vỏ hộp thuốc Mepraz”. Do đó có thể thấy về tổng thể cách trình bày của dấu hiệu “OMERAZ20 và hình” là tương tự với nhãn hiệu “Vỏ hộp thuốc Mepraz” (được bảo hộ theo GCN ĐKNH số 92317). Cũng với cách trình bày dấu hiệu chữ “OMERAZ20” như trên, còn bị coi là tương tự với nhãn hiệu “MEPRAZ” được bảo hộ theo GCN ĐKNH số 92758 (tương tự về màu sắc, cách phát âm).
- Cách trình bày trên giấy kẹp vỉ thuốc OMERAZ20 cũng mang các dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ, cụ thể là: hình có hình đường cong (dạ dày) được trình bày kèm theo chữ “MERAZ”. Do đó việc sử dụng dấu hiệu này trên Giấy kẹp vỉ thuốc OMERAZ20 đã chứa yếu tố xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu: (i) “Vỏ hộp thuốc” (theo GCN ĐKNH số 92317); (ii) nhãn hiệu “MEPRAZ” (GCN ĐKNH số 92758) và (iii) nhãn hiệu “MEPRAZ và hình đường cong” (GCN ĐKNH số 92277 của Công ty DBA Ampharco USA.
- Dấu hiệu “OMERAZ20 và hình đường cong” trên vỉ thuốc của sản phẩm “OMERAZ20” cũng bị coi là tương tự với nhãn hiệu “MEPRAZ và hình đường cong” về cấu trúc, về phần chữ và về phần hình. Do đó, dấu hiệu chữ và hình trên vỉ thuốc OMERA chứa yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “MEPRAZ và hình đường cong” được bảo hộ theo GCN ĐKNH số 92277.
Như vậy, Công ty BT đã có hành vi sử dụng các dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu được bảo hộ của Công ty DBA Ampharco USA. Việc sử dụng các dấu hiệu được trình bày như trên mà không được đồng ý của Chủ thể quyền là hành vi xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu được bảo hộ. Hành vi này đã vi phạm điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ và bị xử lý theo quy định của Nghị định 97/2010/NĐ-CP.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ việc, Thanh tra Bộ KH&CN đã nhận được văn bản đề nghị dừng xử lý vụ việc của Chủ thể quyền, do hai bên đã tự thỏa thuận giải quyết vụ việc. Sau khi xem xét Đơn đề nghị và thoả thuận của các bên, Thanh tra Bộ nhận thấy: việc thoả thuận giữa hai Công ty không gây hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng và xã hội nên theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 30 Nghị định 97/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Thanh tra Bộ KH&CN đã ra thông báo dừng giải quyết vụ việc này.
|
Phân tích, bình luận: |
|
Công ty BT đã sử dụng nhãn hiệu “OMERAZ20” trên vỏ hộp, giấy kẹp vỉ và vỉ thuốc chữa dạ dày có các dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu “MEPRAZ” và “MEPRAZ và Hình” đang được bảo hộ cho Công ty DBA Ampharco USA. Việc sử dụng, trình bày các dấu hiệu này mà không được sự đồng ý của Chủ nhãn hiệu là hành vi xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu được bảo hộ.
Tuy nhiên do trong quá trình giải quyết vụ việc, do các bên đã tự thoả thuận các biện pháp giải quyết phù hợp theo quy định của pháp luật mà không gây ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng và xã hội nên theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 30 Nghị định 97/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ ghi nhận sự thoả thuận và chấp nhận đề nghị dừng giải quyết vụ việc của Công ty DBA Ampharco USA.
Lưu ý:Sau khi có thông báo dừng giải quyết vụ việc của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ mà Công ty BT vẫn có hành vi vi phạm và Công ty DBA Ampharco USA tiếp tục có đơn yêu cầu xử lý thì Thanh tra Bộ KH&CN sẽ thụ lý để giải quyết và hành vi vi phạm của Công ty BT sẽ bị coi là tình tiết tăng nặng theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, sửa đổi, bổ sung năm 2008.
|