Thứ tư, 15/01/2025 16:49 GMT+7
Điều 5.D.3.27: Tiếp nhận và xem xét đơn yêu cầu xử lý vi phạm

(Điều 27, Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010)

 

1. Khi nhận được đơn yêu cầu xử lý vi phạm, cơ quan nhận đơn có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:

a) Xác định thẩm quyền xử lý vi phạm, nếu yêu cầu xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan khác thì hướng dẫn người nộp đơn thực hiện việc nộp đơn tại cơ quan có thẩm quyền;

b) Kiểm tra tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn.

2. Xem xét đơn yêu cầu xử lý vi phạm theo quy định sau đây:

a) Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đơn yêu cầu xử lý vi phạm, cơ quan xử lý vi phạm có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo;

b) Trường hợp tài liệu, chứng cứ do người nộp đơn cung cấp chưa đầy đủ thì cơ quan xử lý vi phạm yêu cầu người nộp đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc giải trình trong thời hạn tối đa là ba mươi ngày, kể từ ngày yêu cầu;

c) Cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ việc có thể yêu cầu bên bị yêu cầu xử lý vi phạm cung cấp thông tin, chứng cứ, giải trình; trưng cầu ý kiến chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp hoặc trưng cầu giám định sở hữu công nghiệp để làm rõ các tình tiết của vụ việc;

d) Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đáp ứng yêu cầu, người có thẩm quyền thông báo cho tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm về dự định thời gian, thủ tục, biện pháp xử lý và yêu cầu hợp tác, hỗ trợ của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp trong thanh tra, kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm.

3. Quyền và trách nhiệm của bên bị yêu cầu xử lý vi phạm:

a) Trong quá trình xử lý vụ việc, bên bị yêu cầu xử lý có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của người có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ, giải trình trong trường hợp không đồng ý với bên yêu cầu xử lý vi phạm trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày được ấn định trong thông báo của người có thẩm quyền đang thụ lý vụ vi phạm hoặc ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp có lý do chính đáng, bên bị yêu cầu xử lý có thể đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc kéo dài thời hạn trên nhưng không quá ba mươi ngày, kể từ ngày được ấn định trong thông báo hoặc ngày lập biên bản vi phạm hành chính;

b) Bên bị yêu cầu xử lý có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại Điều 5.D.3.25 của Chương này thực hiện việc cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ, giải trình quy định tại điểm a khoản này;

c) Để chứng minh hành vi không xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích là quy trình, bên bị yêu cầu xử lý có nghĩa vụ chứng minh sản phẩm bị cho là được sản xuất từ quy trình xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích trong thực tế không được sản xuất từ quy trình được bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, tuân theo các điều kiện tương ứng quy định tại Điều 5.A.2.2 khoản (4) của Phần này;

d) Trường hợp bên bị yêu cầu xử lý không cung cấp hoặc cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ, ý kiến giải trình không đủ để chứng minh cho việc không vi phạm, người có thẩm quyền quyết định xử lý vụ việc dựa trên kết quả thanh tra, kiểm tra và thông tin, tài liệu, chứng cứ do tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm cung cấp để ra quyết định xử lý.

Khách online:33014
Lượt truy cập: 12844921