Thứ sáu, 22/11/2024 05:39 GMT+7
Thứ ba, 20/12/2016 15:05 GMT+7

Thực thi và giải quyết tranh chấp quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam - Mười năm nhin lại

Đỗ Thị Minh Thủy – Thanh tra Bộ KH&CN

  Đặt vấn đề:

Hơn 10 năm trước đây, ngày 01/7/2006, Luât sở hữu trí tuệ đầu tiên của Việt Nam (được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005) chính thức có hiệu lực. Luật sở hữu trí tuệ 2005 với ý nghĩa là văn bản luật trong lĩnh vực hết sức chuyên biệt đã ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc của các nhà lập pháp và các chuyên gia trong lĩnh vực, tạo môi trường pháp lý lành mạnh để bảo hộ và khai thác có hiệu quả các tài sản sở hữu trí tuệ trong điều kiện hội nhập. Mười năm nhìn lại, những thành quả và đóng góp của Luật sở hữu trí tuệ 2005 với sự phát triển của kinh tế đất nước là vô cùng to lớn và rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đời sống kinh tế xã hội luôn vận động và phát triển không ngừng. Cũng như đại đa số các văn bản pháp luật khác, Luật SHTT 2005 mặc dù đã được sửa đổi bổ sung năm 2009 đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề cập đến một số khía cạnh hạn chế của các quy định về thực thi và giải quyết tranh chấp quyền SHTT theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và các văn bản có liên quan.

1.  Khái quát chung:

  Luật Sở hữu trí tuệ 2005 không có quy định riêng về cơ chế giải quyết tranh chấp quyền SHTT. Theo Điều 198 Luật này, khi có cơ sở để cho rằng đối tượng SHTT được bảo hộ đang bị xâm phạm bởi một tổ chức/cá nhân nào đó, chủ sở hữu đối tượng SHTT có thể tiến hành các biện pháp thực thi quyền đối với đối tượng được bảo hộ. Cụ thể là, chủ sở hữu đối tượng SHTT có quyền: (i) áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm; (ii) yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; (iii) yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm; và (iv) khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. 

  Có thể thấy rằng, việc “áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm” là biện pháp được chủ sở hữu đối tượng SHTT tiến hành đơn phương nhằm phòng ngừa sớm hành vi xâm phạm; và việc “yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại” là nỗ lực tự giải quyết tranh chấp giữa các bên mà không có sự tham gia của các thiết chế “cứng” về giải quyết tranh chấp. Như vậy, về mặt pháp lý, khi tranh chấp trong quá trình sử dụng đối tượng SHTT xảy ra, chủ thể quyền có thể sử dụng các thiết chế của nhà nước để thực thi quyền SHTT được bảo hộ theo hai phương thức, đó là:

-  Khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình (được biết đến là “biện pháp dân sự”); và

-  Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm (được biết đến là “biện pháp hành chính”).

2.  Thực trạng thực thi và giải quyết tranh chấp quyền SHTT tại Việt Nam

2.1.         Số liệu thống kê:

Bên cạnh Toà án là cơ quan thực thi và giải quyết tranh chấp, các cơ quan hành chính thực thi quyền SHTT tại Việt Nam khá phong phú, thuộc nhiều bộ ngành khác nhau, trong đó có thể kể đến các lực lượng như Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Công an kinh tế (Bộ Công an), Hải quan (Bộ Tài chính), Thanh tra KH&CN (Bộ KH&CN). Theo Báo cáo Tổng kết Chương trình hành động phòng, chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2012-2015[1], số liệu thực thi và giải quyết tranh chấp quyền SHTT của các bộ, ngành có liên quan được thống kê như sau:

Cơ quan

2012

2013

2014

2012-2015

Thanh tra KH&CN

69 vụ (38 vụ do Thanh tra Bộ tiến hành)

142 vụ

113 vụ (64 vụ do Thanh tra Bộ tiến hành)

473 vụ

Công an kinh tế

276 (khởi tố 66 vụ)

560 (khởi tố 38 vụ)

665 (khởi tố 120 vụ)

2.047 (khởi tố 381 vụ)

Quản lý thị trường

9556 vụ (giả, kém CL, XP  quyền)

13.037 vụ (giả, kém CL, XP  quyền)

17.396 vụ (giả, kém CL, XP  quyền)

22.441 (hàng giả, XP quyền)

Hải quan

101 vụ (cả ngành)

Không có báo cáo số lượng vụ việc

24 vụ (Cục ĐT chống buôn lậu xử lý)

Không có báo cáo số lượng vụ việc

Tòa án

Giải quyết: 177 vụ việc (i) xét xử: 55 (12 vụ án hình sự); (ii) công nhận thỏa thuận:16; (iii) chuyển:15; (iv) đình chỉ 91

2.2. Phân tích nguyên nhân hiện trạng:

Theo số liệu trên có thể nhận thấy, các vụ việc được xử lý tại Tòa án chiếm số lượng không đáng kể so với các vụ việc được giải quyết theo cơ chế hành chính. Vậy đâu là nguyên nhân hiện trạng này?

1)    Đối với biện pháp dân sự:

  Theo Khoản 2 Điều 30 và Khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, tranh chấp xảy ra trong quá trình khai thác và sử dụng đối tượng SHTT vì mục đích lợi nhuận là tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết sơ thẩm tại tòa án nhân dân cấp tỉnh. Kháng cáo bản án sơ thẩm đối với tranh chấp quyền SHTT được giải quyết theo trình tự chung dành cho các kháng cáo các bản án dân sự tại Tòa án nhân dân cấp cao.

Về quy định, khi khởi kiện vụ án dân sự, chủ sở hữu đối tượng SHTT có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền buộc bị đơn chấm dứt hành vi vi phạm; xin lỗi cải chính công khai; tiêu hủy hàng hóa phương tiện vi phạm và bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần theo mức độ mà họ có thể chứng minh được[2]. Ngoài ra, khi khởi kiện hoặc trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp, chủ sở hữu đối tượng SHTT có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong một số trường hợp.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc liệu áp dụng trình tự như quy định Luật tố tụng dân sự trong giải quyết tranh chấp quyền SHTT (đặc biệt là khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến đối tượng đặc thù như sáng chế, xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đối tượng SHTT được bảo hộ) là rất hạn chế. Nguyên nhân được cho là trong khi các đại diện chủ thể quyền lại cho rằng cơ chế kiện dân sự hiện tại là rườm rà, tốn kém và ít hiệu quả thì  ngành tòa án lại chưa nhận thấy sự cấp thiết phải quy định riêng hoặc hoàn thiện cơ chế hiện tại để giải quyết tranh chấp đối với sáng chế. Theo ngành tòa án, có quá ít vụ việc tranh chấp sở hữu trí tuệ đặc biệt là tranh chấp sáng chế được nộp cho tòa giải quyết, do vậy, tòa ưu tiên hoàn thiện cơ chế giải quyết các loại vụ việc khác đang cấp bách hơn.

Thực tế trên dẫn đến hệ quả là chủ thể quyền không chủ động bảo vệ quyền dân sự bằng biện pháp dân sự, và theo hướng ngược lại cơ chế dân sự có rất ít tác dụng để giải quyết tranh chấp xảy ra trong quá trình sử dụng đối tượng SHTT.

2)     Đối với biện pháp hành chính:

Trái ngược với không khí khá yên ả và tĩnh lặng tại tòa án, cơ chế hành chính được áp dụng khá thường xuyên để giải quyết tranh chấp quyền SHTT. Biện pháp thường này được nhắc đến với cụm từ “xử lý xâm phạm quyền” và là một cách thức hết sức đặc thù của Việt Nam. Với cơ chế này, chủ thể quyền có thể yêu cầu nhà nước sử dụng các cơ quan hành chính công quyền để bảo vệ quyền và lợi ích của mình theo quy định.

Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan hành chính có thẩm quyền “xử lý xâm phạm quyền” sở hữu công nghiệp khá đa dạng, trong đó đáng kể là Công an kinh tế (Bộ Công an); Quản lý thị trường (Bộ Công thương); Hải quan (Bộ Tài chính) và lực lượng Thanh tra thuộc nhiều bộ ngành khác nhau.

Khi có hành vi bị cho là xâm phạm xảy ra, để tiến hành “xử lý xâm phạm quyền” chủ thể quyền SHTT, trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam nộp “Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm” cho cơ quan chức năng. Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm cần nêu rõ đối tượng SHTT được bảo hộ; đối tượng bị cho là vi phạm; thông tin chi tiết về tổ chức, cá nhân vi phạm và biện pháp yêu cầu xử lý.

Theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đơn, cơ quan chức năng cần tiến hành xem xét đơn yêu cầu xử lý xâm phạm và các chứng cứ kèm theo. Nếu đơn đáp ứng yêu cầu, Cơ quan chức năng thông báo cho tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm về dự định thời gian, thủ tục và biện pháp xử lý. Chủ thể quyền có thể được yêu cầu hợp tác, hỗ trợ trong thanh tra, kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm. Trong quá trình xem xét xử lý đơn, Cơ quan chức năng có thể yêu cầu bên bị cho là vi phạm cung cấp thông tin, chứng cứ, giải trình; yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cho ý kiến chuyên môn hoặc hoặc trưng cầu giám định để xác định yếu tố vi phạm.

Nếu hành vi vi phạm được xác định, tổ chức/cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền; đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh hoặc tiêu hủy hàng hóa, phương tiện kinh doanh vi phạm…

Chính sự được cho là “nhanh”, “gọn” và “ít tốn kém” của cơ chế xử lý xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính dẫn đến việc biện pháp này được chủ thể quyền “ưu tiên” lựa chọn. Tuy nhiên, biện pháp hành chính cũng bộc lộ nhiều hạn chế về tính hiệu quả khi giải quyết các vụ việc xâm phạm quyền (đặc biệt là các vụ việc mang tính tranh chấp do hành vi vi phạm là không rõ ràng, đòi hỏi quá trình xác minh, tranh tụng).

3)  Những bất cập và định hướng giải pháp:

Không thể phủ nhận rằng thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính là điều cần thiết để thực hiện cam kết quốc tế trong bối cảnh hệ thống tư pháp còn chưa thực sự phát triển để đảm đương vai trò này. Tuy nhiên, từ góc độ đảm bảo hài hòa giữa bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích cộng đồng, cơ chế xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính dường như đang làm Việt Nam “thiệt đơn thiệt kép”. Cụ thể:

-  Về chi phí: Hiện tại, xử lý xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính đang đóng vai trò chủ đạo. Đối với biện pháp này, ở thời điểm hiện tại nhà nước vẫn đang phải gánh toàn bộ chi phí cho vấn đề thực thi, bao gồm từ chi phí bộ máy, nhân lực, vật lực để tiến hành xử lý vi phạm, và thậm chí là chi phí cả cho việc vận chuyển, lưu giữ và tiêu hủy hàng vi phạm trong giải quyết vụ việc.

  Trong khi đó, ở các nước sử dụng cơ chế dân sự để thực thi và giải quyết tranh chấp quyền SHTT, chủ thể quyền hoặc bên xâm phạm quyền SHTT có nghĩa vụ chi trả cho giải quyết vụ việc.

-  Về phương thức giải quyết tranh chấp: Bản thân cụm từ “xử lý xâm phạm quyền” trong biện pháp hành chính đã cho thấy vị thế không cân bằng giữa các bên như nguyên đơn và bị đơn như trong tố tụng dân sự. Có vẻ dường như bên bị yêu cầu xử lý mặc nhiên bị coi là bên vi phạm. Mặc dù Nghị định 99/2013/NĐ-CP cũng có lồng ghép một số nội dung cho phép bên bị yêu cầu xử lý có quyền giải trình, cung cấp chứng cứ chứng minh về việc không vi phạm; nhưng về mặt tổng thể, vị thế của bên bị yêu cầu xử lý theo trình tự hành chính vẫn khá thiệt thòi so với vị thế của bị đơn trong trình tự dân sự. Người bị yêu cầu xử lý không có quyền phản tố hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp chủ thể quyền SHTT lạm quyền, đưa ra các yêu cầu không phù hợp.

-  Về hiệu quả giải quyết tranh chấp: Phán quyết của Tòa án mang tính toàn diện và được đảm bảo thực thi. Người bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền gây ra được bồi thường theo quy định. Trong khi đó, các quyết định hành chính không có được đặc tính này.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động giải quyết tranh chấp và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, tác giả cho rằng cần tiến hành các giải pháp đồng bộ theo định hướng:

1.Xác định và đảm bảo thực thi quyền SHTT theo cơ chế dân sự: Các biện pháp thực thi và giải quyết tranh chấp cần bám sát định hướng này. Theo đó, Luật Sở hữu trí tuệ rất cần bổ sung các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp quyền SHTT.

2.Hạn chế xử lý xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính, từng bước chuyển dịch sang cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tòa án: Với định hướng này, trong giai đoạn trước mắt, Luật cần quy định giới hạn đối tượng SHTT bị xử lý hành chính. Theo đó, các cơ quan hành chính sẽ chỉ nên xử lý các vụ việc vi phạm rõ ràng (ví dụ như buôn bán, sản xuất hành giả nhà hiệu, chỉ dẫn địa lý). Các vụ việc phức tạp hoặc có bản chất là tranh chấp (ví dụ như xâm phạm quyền đối với sáng chế, xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến các đối tượng SHTT được bảo hộ) cần phải chuyển sang xử lý tại Tòa án. Về lâu dài, tòa án cần đóng vai trò trung tâm trong đảm bảo thực thi và giải quyết tranh chấp quyền SHTT

3.Đảm bảo nguyên tắc thực thi quyền SHTT theo hướng kết hợp hài hòa lợi ích công cộng với lợi ích của chủ thể quyền trong việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Nguyên tắc này cần được trú trọng và thể chế hóa trong các quy định về nội dung bảo hộ và thực thi quyền SHTT.

 



[1] Gọi tắt là Chương trình 168 giai đoạn 2.

[2] Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

 

 

Lượt xem: 18317

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:12627
Lượt truy cập: 12738068