Việt Nam và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ký Khung Chương trình quốc gia hợp tác giai đoạn 2016-2021

Thứ tư, 04/11/2015 17:23 GMT+7
Ngày 02/11/2015, tai trụ sở Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Viên, Áo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc và ông Dazhu Yang, Phó Tổng Giám đốc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kỹ thuật của IAEA đã ký Khung Chương trình quốc gia...


Khung Chương trình quốc gia (CPF) cho giai đoạn 2016 – 2021 là khung tham chiếu cho các kế hoạch ngắn và trung hạn hợp tác kỹ thuật giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trong đó định rõ các lĩnh vực ưu tiên mà công nghệ hạt nhân và nguồn lực từ các dự án hợp tác kỹ thuật có thể hỗ trợ để đáp ứng các mục tiêu phát triển quốc gia.

Đây là lần thứ ba Việt Nam và IAEA ký Khung Chương trình quốc gia. Phát biểu tại buổi ký kết, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cảm ơn IAEA đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều năm qua, thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật, giúp Việt Nam phát triển ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân nhằm thực hiện thành công chương trình điện hạt nhân của Việt Nam.



Ông Dahzu Yang đánh giá cao việc Việt Nam ký Khung Chương trình quốc gia lần thứ 3. Ông cho biết IAEA luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Việt Nam. Các dự án hợp tác kỹ thuật IAEA dành cho Việt Nam vào khoảng 600.000 euros/năm, chia đều cho các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng điện hạt nhân,... Ông Yang cũng đề nghị Việt Nam với kinh nghiệm nhiều năm hợp tác với IAEA của mình, tích cực hỗ trợ các quốc gia thành viên mới trong khu vực như Lào, Campuchia,... để cùng với IAEA thúc đẩy việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phát triển kinh tế-xã hội.



Việt Nam đã là thành viên của IAEA từ năm 1957. Khung Chương trình quốc gia (CPF) giai đoạn 2016 – 2021 đã xác định 6 lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam:
1. Cơ sở hạ tầng điện hạt nhân;
2. Y tế;
3. Lương thực và Nông nghiệp;
4. An toàn bức xạ và quản lý chất thải phóng xạ;
5. Ứng dụng đồng vị phóng xạ, công nghệ bức xạ trong công nghiệp, môi trường và tài nguyên nước;
6. Bảo vệ môi trường.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img