Tham dự Hội thảo có bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia; ông Simon Grimley, đại diện khu vực, EURAXESS Links ASEAN; ông Olivier Kuttel, Trưởng phòng đối ngoại châu Âu, Học viện Công nghệ Lausanne EPFL, Thụy Sỹ.
Thế kỷ 21 là thế kỷ của nền kinh tế trí thức, trong đó KH&CN cao, tri thức của con người là nền tảng, hợp tác và hội nhập là cơ sở để phát triển, KH&CN với vai trò là động lực của nền kinh tế sẽ tạo ra cho các tổ chức và cá nhân năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, năng lực cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Sau gần 30 năm đổi mới kinh tế, khai thác các lợi thế về tài nguyên và sức lao động rẻ không còn là thế mạnh, hiện nay, nền kinh tế Việt Nam cần phải phát triển theo chiều sâu với tái cơ cấu nền kinh tế, ứng dụng các thành quả nghiên cứu KH&CN để phát huy lợi thế so sánh của Việt Nam một cách bền vững.
Để đạt được mục tiêu trên, vấn đề phát triển đội ngũ KH&CN là yếu tố hàng đầu. Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã tạo điều kiện phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu KH&CN, đặc biệt tạo tiền đề cho các hoạt động hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác quốc tế. Theo đó, để thu hút các nhà khoa học tài năng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN. Ví dụ: thu hút nhà khoa học trẻ tài năng, dưới 35 tuổi, trình độ tiến sĩ trở lên, có thành tích hoạt động KH&CN ở nước ngoài sẽ được xét tuyển dụng đặc cách không qua thi vào làm việc trong tổ chức KH&CN công lập và được hưởng hệ số lương 5,08 và nhiều hỗ trợ tạo điều kiện phát triển như: hỗ trợ cử tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ chuyên ngành KH&CN tại các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài; được ưu tiên cử đi thực tập, làm việc có thời hạn tại các tổ chức KH&CN ở nước ngoài.
Tại Hội thảo này, các đại biểu có cơ hội được nghe các nhà khoa học Châu Âu trình bày tổng quan về Chương trình khung mới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Liên minh Châu Âu - Horizon 2020. Chương trình tập trung giải quyết những vấn đề KH&CN nhằm giúp các quốc gia vượt qua khủng hoảng kinh tế, đầu tư cho tăng trưởng bền vững và tương lai, giải quyết những thách thức xã hội về sự sống, an toàn và môi trường. Đặc biệt, Horizon 2020 hỗ trợ mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo nhằm nhanh chóng đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các viện, trường và doanh nghiệp.
Tiếp nối thành công của Chương trình khung lần thứ 7 – FP7 trong đó các tổ chức và nhà khoa học Việt Nam tham gia trên 40 dự án với tổng số tiền tài trợ trên 4,5 triệu Euro, Chương trình Horizon 2020 hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn nữa cho các tổ chức khoa học và các nhà khoa học Việt Nam tham gia vào các dự án nghiên cứu đa phương trong khuôn khổ Chương trình.
Ngoài ra, Hội thảo cũng sẽ cung cấp những thông tin cụ thể về phương thức tài trợ các dự án trong thời gian tới, những cơ hội mở đối với các nhà nghiên cứu KH&CN Việt Nam. Đặc biệt là các chuyên gia châu Âu sẽ hướng dẫn một số kỹ năng cần thiết như: chuẩn bị đề xuất dự án, quản lý tài chính dự án do châu Âu tài trợ.
Đây sẽ là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển các mối quan hệ với các đối tác châu Âu, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hợp tác KH&CN.
Hội thảo quốc tế lần này đánh dấu sự có mặt chính thức của Chương trình Horizon 2020 tại Việt Nam. Chương trình nghiên cứu đa phương này, cùng với các cơ chế song phương khác như Dự án FIRST, IPP sẽ giúp nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển của Việt Nam trong thời gian tới./.