Hội thảo đã thu hút lãnh đạo nhiều Bộ, ngành tham gia
Đến dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo BCĐTB, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, các bộ, ngành hữu quan và đại diện lãnh đạo 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc cùng đông đảo các nhà khoa học thuộc ĐHQGHN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam và các cơ sở nghiên cứu KH&CN ở vùng Tây Bắc.
Theo đó, ngày 01/7/2013, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã ký Quyết định số 1847/QĐ-BKHCN thành lập Ban chủ nhiệm Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013 - 2018 “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”, mã số KHCN-TB 13-18 (gọi tắt Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc), gồm 11 thành viên và cử PGS.TS Phùng Xuân Nhạ- Giám đốc ĐHQGHN làm Chủ nhiệm Chương trình.
Mục đích của Hội thảo lần này là trao đổi về phương pháp xây dựng và cấu trúc của Bộ Cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và các bộ công cụ phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Đồng thời, Hội thảo cũng tạo điều kiện để các nhà khoa học đang tham gia thực hiện Chương trình Tây Bắc gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý ở 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc và các bộ ngành hữu quan, trên cơ sở đó thống nhất về phương thức tổ chức triển khai, chuyển giao và ứng dụng các kết quả của Chương trình, theo đúng phương châm "thiết thực, khả thi, hiệu quả".
Theo kế hoạch, việc triển khai Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc được phân kỳ làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 (2013 - 2015) và giai đoạn 2 (2016 - 2018). Giai đoạn 1 tập trung nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, điều tra bổ sung để đến năm 2015 có được bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành về vùng Tây Bắc. Đồng thời, Chương trình sẽ triển khai một số mô hình sinh kế và mô hình phát triển kinh tế xã hội cho một số địa phương, khởi động một số nhiệm vụ chuyển giao giải pháp KH&CN sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn 2, Chương trình sẽ tập trung đẩy mạnh việc triển khai nghiên cứu ứng dụng đưa các kết quả KH&CN, triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm vào đời sống và sản xuất và xây dựng mô hình phát triển; đề xuất quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội theo hướng phát triển bền vững cho vùng Tây Bắc giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030.
Từ bước khởi động năm 2013 của Chương trình đã có 05 đề tài đã được phê duyệt. Trong đó, ĐHQGHN xác định Bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành là một cấu phần quan trọng nhằm cung cấp thông tin đa lớp, tin cậy phục vụ cho triển khai nghiên cứu khoa học và việc xây dựng, điều chỉnh chủ trương, chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc một cách bền vững.
Song song với đó, việc đánh giá các chương trình mục tiêu, chính sách hiện hành tại vùng Tây Bắc sẽ củng cố luận chứng khoa học và thực tiễn hỗ trợ cho các nhà quản lý phát huy hiệu quả của các chính sách cũng như những hạn chế, bất cập.
Trên cơ sở đó điều chỉnh, đổi mới các chính sách, chiến lược phát triển vùng phù hợp. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và phân tích chính sách phát triển vùng Tây Bắc là bước khởi đầu quan trọng, vừa có nhiệm vụ định vị, vừa có vai trò kiến trúc, thiết kế chương trình. Đây chính là khung phân tích quyết định kết quả thành công của các nghiên cứu. Nhiệm vụ này cần phải được xác định đúng đắn, rõ ràng với tính thiết thực, khả thi và hiệu quả cao; cần được trao đổi và lấy ý kiến rộng rãi trong cả ba nhóm nhà quản lý, nhà sử dụng và nhà khoa học.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ĐHQGHN với vai trò là đơn vị chủ trì đã có những nghiên cứu nghiêm túc, sáng tạo và rất công phu về những vấn đề quan trọng của vùng Tây Bắc. Phó Thủ tướng cho rằng, Tây Bắc là một vùng có vị trí quan trọng về cả kinh tế - xã hội cũng như chính trị của cả nước. Tuy được đánh giá là vùng có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, tiềm năng du lịch không nhỏ nhưng vùng Tây Bắc vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do vùng Tây Bắc chưa khơi dậy được nguồn lực KH&CN, chưa có nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế.
Để triển khai hiệu quả Chương trình, Phó Thủ tướng đề nghị ĐHQGHN phối hợp chặt chẽ hơn nữa với BCĐ Tây Bắc, các Bộ, ngành, cơ quan KH&CN và nhất là với các địa phương trong vùng để tổ chức triển khai các nhiệm vụ Chương trình đúng tinh thần thiết thực, khả thi, hiệu quả; hết sức tránh tình trạng nghiên cứu hàn lâm, kinh viện, trùng lắp, lãng phí, xa rời thực tế,…Văn phòng Chính phủ, BCĐ Tây Bắc, Bộ KH&CN, Bộ Tài Chính và các Bộ, ngành liên quan cần theo dõi sát sao lộ trình triển khai Chương trình.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học tham gia Chương trình tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa cả về trí tuệ và tâm huyết để giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn của vùng Tây Bắc. Kết quả từng đề tài, từng dự án phải trả lời được câu hỏi sẽ đóng góp cái gì, ở mức độ nào để giúp Tây Bắc phát triển bền vững, đời sống các đồng bào các dân tộc được cải thiện, bớt khó khăn hơn, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc hơn.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh trong vùng thường xuyên chỉ đạo phối hợp cụ thể với ĐHQGHN để tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Chương trình. Các đồng chí vừa là người “đặt hàng”, đề xuất và đưa ra các nhiệm vụ mà Chương trình cần nghiên cứu, giải quyết nhằm đáp ứng đúng và trúng các vấn đề đặt ra của mỗi tỉnh và cả vùng; vừa là người thụ hưởng, áp dụng các kết quả đó. Do đó, các tỉnh và ĐHQGHN phải phối hợp và cùng tham gia thực hiện, giám sát và chuyển giao, ứng dụng các sản phẩm Chương trình. Thông qua đó mà năng lực KH&CN của địa phương cũng từng bước được nâng cao, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.