Hoàn thiện quy trình nhân giống một số cây thuốc quý, có giá trị kinh tế cao ở quy mô công nghiệp tại tỉnh Hòa Bình

Thứ ba, 01/06/2021 09:43 GMT+7
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm, Việt Nam có nguồn tài nguyên thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều loài làm thuốc. Ngày nay, việc tìm kiếm và chiết xuất các hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao để làm thuốc là một xu thế được rất nhiều các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm. Là một trong những quốc gia thuộc các vùng nhiệt đới, nơi chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao chưa được khám phá, có vốn tri thức bản địa sử dụng các loài động vật, thực vật và khoáng vật làm thuốc, Việt Nam có tiềm năng trong việc tìm kiếm nghiên cứu tạo ra những loại thuốc mới, có nguồn gốc tự nhiên, có hiệu lực điều trị cao trong tương lai.


Vườn ươm cây Nưa Konjac

 

Kết quả điều tra của Viện Dược liệu gần đây chỉ ra rằng trong tổng số 3948 loài cây thuốc, gần 90% là cây thuốc mọc tự nhiên, tập tung chủ yếu trong các quần xã rừng, chỉ có gần 10% là cây thuốc trồng. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam tháng 4/2017, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở Việt Nam cũng rất lớn. Nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ước tính khoảng 60.000 - 80.000 tấn dược liệu, trong đó có rất nhiều dược liệu có tiềm năng nuôi trồng trong nước. Với nhu cầu sử dụng các loài dược liệu làm thuốc ngày càng tăng, do khai thác liên tục trong nhiều năm không chú ý tới bảo vệ tái sinh, cộng với nhiều nguyên nhân khác đã làm cho nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Hiện nay, nguồn tài nguyên cây thuốc không còn nguyên vẹn nữa. Nguyên nhân do việc khai thác ồ ạt và nạn phá rừng làm nương rẫy đã dẫn đến tình trạng nguồn cây thuốc ở Việt Nam ngày càng cạn kiệt.

Nưa, sâm cau, lan gấm là ba loài cây dược liệu bản địa quý hiếm ở nước ta. Cũng chính vì có nhiều tác dụng chữa bệnh, ba loài cây này hiện đang bị khai thác cạn kiệt trong tự nhiên. Không chỉ vậy, việc canh tác ba loại dược liệu kể trên còn gặp khá nhiều khó khăn do chưa có một quy trình nuôi trồng cũng như nguồn cung giống chuẩn. Các biện pháp nhân giống truyền thống hiện nay không thể đáp ứng đủ nhu cầu về cả lượng và chất cho thị trường. Để tạo ra một lượng lớn cây giống dược liệu đạt chuẩn với quy mô công nghiệp cần phải tiến hành áp dụng những kỹ thuật mới của khoa học kỹ thuật, đó là kỹ thuật nhân giống in vitro. Những năm gần đây, Hợp tác xã nông nghiệp Linh Dược Sơn đã bước đầu nhiên cứu thành công quy trình nhân giống và nuôi trồng ba loài dược liệu quý trên. Những nghiên cứu này không chỉ góp phần bảo tồn cây thuốc trong tự nhiên mà còn giúp cho việc canh tác các cây trên được phổ biến rộng rãi, một mặt mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân sống tại nông thôn, miền núi, mặt khác cung cấp được nguồn dược liệu đảm bảo cho nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

Với mục đích phát triển các loại thuốc và thực phẩm chức năng nhằm nâng cao sức khỏe cho người dân đồng thời nâng cao giá trị kinh tế của các loài thảo dược, Dược sĩ. Đỗ Đức Nhuận cùng các đồng nghiệp đến từ Hợp tác xã nông nghiệp Linh Dược Sơn đã tiến hành dự án “Hoàn thiện quy trình nhân giống một số cây thuốc quý, có giá trị kinh tế cao ở quy mô công nghiệp tại tỉnh Hòa Bình”.

Dự án không chỉ có ý nghĩa khoa học mà có còn có tính thực tiễn cao, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Các nội dung của dự án đã được thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ và đạt kết quả tốt, gồm có:

1. Đã hoàn thiện được 01 quy trình nhân giống nhân giống invitro và 01 quy trình trồng cây Sâm cau.

2. Đã hoàn thiện được 01 quy trình nhân giống nhân giống invitro và 01 quy trình trồng cây Lan gấm.

3. Đã hoàn thiện được 01 quy trình nhân giống nhân giống invitro và 01 quy trình trồng cây Nưa Konjac.

4. Dự án đã thực hiện tốt nội dung xây dựng mô hình sản xuất các loại cây dược liệu Sâm cau, Lan gấm và Nưa Konjac với tổng diện tích mỗi mô hình từ 0,5-1ha và sản xuất được 510.000 - 530.000 cây giống mỗi loại.

5. Đào tạo tập huấn: Đã đào tạo và tập huấn 23 kỹ thuật viên và 60 nông dân về kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc cho mỗi loại cây Sâm cau, Lan gấm và Nưa Konjac.

6. Đã thành lập được 01 Doanh nghiệp Khoa học công nghệ.


*Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14316/2017) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img