Tăng cường phối hợp Viện - Trường nhằm khai thác hiệu quả thông tin sáng chế để định hướng nghiên cứu, thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu

Thứ ba, 04/08/2020 14:52 GMT+7

Cuối tháng 7/2020, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Viện SCCN) đã phối hợp với Viện Điện - Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm khoa học tại phòng Hội thảo Hội trường C2 - Đại học Bách khoa Hà Nội.

Mục đích của buổi tọa đàm nhằm giới thiệu về các hoạt động, dịch vụ của Viện SCCN và hỗ trợ các giảng viên, nhà khoa học của Viện Điện cách thức tiếp cận những công nghệ mới, định hướng, nâng cao chất lượng nghiên cứu thông qua hoạt động khai thác sáng chế, đồng thời hỗ trợ các nhà khoa học đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
 

Các đại biểu dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: Nguyễn Thị Thu

Tham dự buổi tọa đàm, về phía Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ có TS. Nguyễn Trọng Hiếu - Viện trưởng, TS. Đỗ Đức Nam - Phó Viện trưởng, TS. Phạm Ngọc Pha - Giám đốc Trung tâm Thống kê dữ liệu và Phân tích sáng chế, ThS. Phùng Minh Hải - Trưởng phòng Phòng Chính sách và Tư vấn thương mại hóa sáng chế cùng các cán bộ thuộc Viện SCCN, về phía Viện Điện có PGS.TS. Hoàng Sĩ Hồng - Phó Viện trưởng cùng đông đảo các giảng viên, nhà khoa học, học viên nghiên cứu sinh đang công tác và làm việc tại Viện.

Hiện nay, trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung và Viện Điện nói riêng đang có chủ trương xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm và các nhóm nghiên cứu chủ chốt. Do vậy, việc định hướng nghiên cứu là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết đối với cán bộ quản lý và các nhà nghiên cứu. Sáng chế là nguồn thông tin cập nhật các công nghệ mới trên thế giới, nên việc phân tích thông tin sáng chế sẽ giúp các cán bộ quản lý và nhà nghiên cứu có cái nhìn tổng quan và xác định được xu hướng phát triển công nghệ một cách phù hợp.

Mặc dù hàng năm, Viện Điện có nhiều kết quả nghiên cứu nhưng số lượng đơn đăng ký sáng chế và thương mại hóa các kết quả này còn rất hạn chế, không phản ánh được hết tiềm năng nghiên cứu của Viện. Việc khuyến khích và tư vấn cho các nhà nghiên cứu đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu giúp bảo vệ được quyền lợi của Viện và các nhà nghiên cứu trong quá trình thương mại hóa các kết quả này, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong Viện. Do vậy, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ đã phối hợp với Viện Điện - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện buổi tọa đàm nhằm trao đổi, hỗ trợ các nhà khoa học cách thức tra cứu, tìm kiếm và phân tích thông tin sáng chế để xác định lại hướng nghiên cứu hiện đang triển khai trong các nhóm chuyên môn của Viện Điện. Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia của Viện SCCN cũng đã trình bày cách thức cung cấp các thông tin sáng chế về công nghệ nền tảng theo yêu cầu của các nhà khoa học, đồng thời tiến hành tư vấn các thủ tục hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (trong đó trọng tâm là đăng ký các sáng chế/GPHI, kiểu dáng CN, nhãn hiệu) và hỗ trợ các nhà khoa học thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

 

TS. Đỗ Đức Nam phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: Nguyễn Thị Thu

PGS.TS. Hoàng Sĩ Hồng phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: Nguyễn Thị Thu


Theo đề nghị của Viện Điện, các chuyên gia của Viện SCCN đã trình bày 3 chuyên đề giới thiệu về Viện và về vấn đề đăng ký sở hữu công nghiệp tại buổi tọa đàm, bao gồm:

Chuyên đề 1: “Giới thiệu về Viện SCCN và thông tin tổng quan về việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, phân tích thông tin sáng chế và khai thác cơ sở dữ liệu sáng chế” do TS. Phạm Ngọc Pha - Giám đốc Trung tâm Thống kê dữ liệu và Phân tích sáng chế trình bày;

Chuyên đề 2: “Lợi ích đăng ký sáng chế” do ThS. Phùng Minh Hải - Trưởng phòng Phòng Chính sách và Tư vấn thương mại hóa sáng chế trình bày;

Chuyên đề 3: “Tư vấn và hướng dẫn về đăng ký sáng chế” do ThS. Trương Nguyệt Ánh trình bày.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của Viện Điện đã trình bày 3 chuyên đề về quy trình triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Điện tại buổi tọa đàm, gồm:

Chuyên đề 4: “Giới thiệu về việc tìm kiếm và triển khai các đề tài khoa học” do PGS.TS Nguyễn Quang Địch trình bày;

Chuyên đề 5: “Giới thiệu về mô hình hoạt động các Lab nghiên cứu trên thế giới” do TS. Nguyễn Đức Tuyên trình bày;

Chuyên đề 6: “Thảo luận định hướng nghiên cứu của Viện Điện trong giai đoạn 2020-2025” do PGS.TS. Hoàng Sĩ Hồng trình bày.
 

Các nhà nghiên cứu của Viện Điện tham gia thảo luận tại buổi tọa đàm - Ảnh: Nguyễn Thị Thu

Các chuyên đề báo cáo đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà khoa học của Viện Điện, phần trao đổi diễn ra sôi nổi, nhiều câu hỏi đã được đưa ra tập trung vào chủ đề đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong đó có các sáng chế. Ngoài ra vấn đề chuẩn bị hồ sơ đăng ký và các dịch vụ tư vấn hỗ trợ mà Viện SCCN đang cung cấp cũng được các nhà khoa học quan tâm. Viện SCCN cũng tiến hành khảo sát nhu cầu của các nhà sáng chế của Viện Điện và kết quả có tới gần 80% số nhà nghiên cứu có nhu cầu và quan tâm tới việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm khoa học của mình, có gần 60% số nhà nghiên cứu có nhu cầu hỗ trợ phân tích thông tin sáng chế để định hướng nghiên cứu, có tới 50% số nhà nghiên cứu tham gia khảo sát có nhu cầu được cung cấp các thông tin sáng chế để phục vụ công tác nghiên cứu cũng như đăng ký tài sản trí tuệ của mình và hơn 70% số nhà nghiên cứu quan tâm và mong muốn thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Với định hướng xây dựng các phòng Nghiên cứu mạnh theo định hướng phát triển chung của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Điện và các cán bộ đã nhận thấy tầm quan trọng của việc khai thác thông tin sáng chế để định hướng nghiên cứu, cũng như việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu và vấn đề thương mại hóa các kết quả này. Kết thúc buổi tọa đàm, Viện Điện và Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ nhất trí thường xuyên trao đổi để tăng cường hơn nữa hoạt động hỗ trợ các nhà khoa học của Viện, qua đó thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại Viện Điện nói riêng và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nói chung trong thời gian tới./.

Nguồn: Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img